Trong thị trường nội địa kiểu mới

Trong thị trường nội địa kiểu mới
Doanh nghiệp các nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ liên kết giữa các thị trường ngày càng chặt chẽ hơn.

Trang trại Huy Long An.

Giữa lúc thị trường âu lo về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng tiêu cực lên Việt Nam, thì báo cáo nghiên cứu mới của Harris Interactive lại cho thấy viễn cảnh khả quan hơn.

XUẤT KHẨU VẪN LẠC QUAN

Theo nội dung báo cáo, gần một nửa doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhóm chiếm hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam, là đến từ xuất khẩu. Đáng chú ý, hầu hết các công ty này đều có lịch sử hoạt động xuất khẩu ổn định và đạt tăng trưởng xuất khẩu đều đặn qua các năm. 

Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tìm kiếm cơ hội từ xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp các nước trong châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Như SolarBK đang tìm cách xuất khẩu sang New Zealand, Myanmar, bên cạnh các thị trường đã thiết lập như EU, Mỹ...

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch tỉ USD. Điều vui mừng là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng gần 20% so với cùng kỳ, ước đạt 33,1 tỉ USD, mức cao nhất 3 năm trở lại đây. Hiện tại, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc... 

Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu qua Mỹ, Ấn Độ, Đức… Đa số doanh nghiệp lạc quan vào tăng trưởng xuất khẩu trong 12 tháng tới. 57% các SME Việt Nam còn tin rằng, doanh thu xuất khẩu vào các nước ở khu vực ngoài APAC có thể đạt cao hơn. 

Ở chiều ngược lại, báo cáo của Harris chỉ ra, một nửa nguồn cung ứng cho hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam là từ nhập khẩu. Các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô (60%) và các linh kiện (49%), cho mục đích đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm, giá cả... Vì thế, 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 10%, theo Bộ Công Thương. 

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, giả định rằng không có gì thay đổi đối với các chính sách về thương mại, tối thiểu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam (tính bằng USD) sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030, trong khi xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng ở mức 7%/năm trong cùng giai đoạn.

Như vậy, bức tranh xuất khẩu lẫn nhập khẩu ở Việt Nam đều hứa hẹn tăng trưởng. Triển vọng về tình hình giao thương này ít nhiều cổ vũ tinh thần cho các công ty xuất nhập khẩu. Ngay cả lúc này, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã chính thức diễn ra, lo ngại ít nhiều xuất hiện, thì ông Hardy Diec, Tổng Giám đốc của FedEx, quan sát thấy: “Tình hình giao dịch của khách hàng với FedEx vẫn ổn định và bình thường”. 

Đại diện SolarBK cũng cho biết, 70-80% doanh thu của Công ty là xuất khẩu. Ở những thị trường dự báo thuế sẽ tăng như Mỹ, Công ty sẽ vượt khó bằng cách triển khai dịch vụ theo gói thay vì chỉ bán sản phẩm. Theo lãnh đạo SolarBK, cách thức này sẽ giúp SolarBK giải quyết được các trở ngại, vẫn thúc đẩy được xuất khẩu.

Theo báo cáo của Harris, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra, thế giới đã là một “thị trường nội địa kiểu mới”. Doanh nghiệp các nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ liên kết giữa các thị trường ngày càng chặt chẽ hơn.

Nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ còn vấp phải những thách thức không nhỏ, về trở ngại hải quan, khâu thanh toán, tìm kiếm nhà cung cấp mới, câu chuyện tỉ giá, trở ngại ngôn ngữ, các vấn đề về vận tải/giao hàng... 

Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần sự trợ giúp của những dịch vụ chuyên nghiệp liên quan. Theo dự báo chung, không chỉ các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà ngay các công ty cung cấp dịch vụ vận tải, giao nhận, cung cấp giải pháp thanh toán, thu đổi ngoại tệ, đào tạo... cũng sẽ hưởng lợi từ giao thương tăng trưởng.


VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ

Để làm tốt vai trò của một nhà thiết kế - cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, ông Hardy Diec cho biết: “FedEx đã phải đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ để cung cấp mạng lưới kết nối nhanh chóng, tin cậy cũng như cung cấp các hỗ trợ ở khâu hải quan, các giải pháp tích hợp”.

Từ đầu năm nay, ở phạm vi toàn cầu, FedEx đã bắt đầu gia nhập Liên minh Blockchain trong vận chuyển (Blockchain in Transport Alliance - BiTA) với mục tiêu tích hợp các nền tảng dựa trên công nghệ blockchain vào các hoạt động hằng ngày. Hay trước đó, nhận thấy thương mại điện tử sẽ còn làm thay đổi toàn ngành logistics, FedEx đã cộng tác với các nhà bán lẻ để giúp khách hàng dễ dàng nhận và gửi các gói hàng hơn.

Trong thi truong noi dia kieu moi

Trong khi đó, báo cáo của HSBC Navigator cho thấy, các chiến lược được doanh nghiệp thường sử dụng nhất để phát triển trong tương lai bao gồm tham gia vào thị trường mới (32%) và các lĩnh vực dịch vụ mới (24%). Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng các doanh nghiệp dịch vụ cũng có xu hướng sử dụng thương mại điện tử và năng lực dữ liệu nhiều hơn so với các nhà sản xuất.

Ở Việt Nam, trong một báo cáo hồi tháng 3 năm nay, Payoneer, công ty thanh toán điện tử lớn của Mỹ, từng nhận định, chính sự thâm nhập của internet vào đời sống người dân và tỉ lệ dân số “vàng” đã giúp Việt Nam đạt tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại điện tử.

Cụ thể, thương mại điện tử năm 2017 ở Việt Nam tăng 33% và thuộc nhóm đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á, theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek. Payoneer cũng đánh giá cao khả năng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Công ty này cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có đầy đủ nền tảng cần thiết để sản xuất hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.

Trong tương lai, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng, nền kinh tế kỹ thuật số sẽ còn mang lại lợi ích cho các công ty và công nghệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Với niềm lạc quan ấy, theo báo cáo của Harris, 95% SME ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới để mở rộng hoạt động kinh doanh. 

Điển hình, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, Huy Long An đã ứng dụng công nghệ trồng chuối sạch, giống Đài Loan để tạo ra vườn chuối triệu đô. Hay nhờ ứng dụng công nghệ khí canh mà Công ty Rau Sạch Ngon đã có thể cung ứng ra thị trường 100kg rau mỗi ngày, với diện tích 200m2. Trang trại hoa lan của bà Phạm Thị Nhung ở Lâm Đồng cũng đã xuất khẩu sang Singapore nhờ đầu tư theo mô hình nhà kính.  

Nhìn chung, theo ghi nhận từ Harris, 3 công nghệ mới được SME Việt Nam sử dụng nhiều nhất là tự động hóa (phần mềm), thanh toán qua di động và dữ liệu lớn. Sau một thời gian áp dụng, gần phân nửa SME Việt Nam tham gia khảo sát đã xác nhận, việc áp dụng công nghệ mới giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả chuỗi cung ứng và các kênh phân phối. 

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Bơm Hải Dương đã đầu tư 150 tỉ đồng xây nhà xưởng và đổi mới công nghệ, đồng thời thực hiện dự án “Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”. Nhờ đó, Công ty đã nhận được đơn hàng xuất khẩu tại chỗ phôi đúc cho Nhật với doanh thu 1 triệu USD/năm.


Tác giả bài viết: Viết Nguyên

Nguồn tin: nhipcaudautu.vn