Trung Quốc tăng thu mua cá tra, nông dân thu tiền tỷ
- Thứ năm - 15/12/2016 10:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thị trường xuất khẩu khởi sắc
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Đến cuối tháng 11.2016, vùng ĐBSCL đã thả nuôi được 4.552ha (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái); sản lượng thu hoạch đạt trên 1 triệu tấn (tăng 8,9% so với cùng kỳ). Cũng theo thống kê, đến cuối tháng 11 vừa qua, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 140 thị trường (tăng 4 thị trường so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD. Dự kiến, cả năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD (tăng 6,6% so với năm 2015).
Người dân phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh: Huỳnh Xây
Trong đó, dự kiến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc-Hongkong sẽ đạt 305 triệu đô la Mỹ, (tăng 90% so với năm 2015). Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết: “Ngoài Trung Quốc-Hongkong, Mỹ cũng là thị trường có mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam và dự báo xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong năm 2016 đạt 366 triệu đô la Mỹ, (tăng 16% so với năm 2015)”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Mặc dù chịu tác động nặng nề của xâm nhập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của vùng, trong đó có ngành hàng cá tra (cá chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, tăng chi phí sản xuất) nhưng với sự cố gắng chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ và nhờ lượng mưa được cải thiện từ tháng 6 đến nay nên việc sản xuất, tiêu thụ cá tra thời gian qua có sự phục hồi nhanh. Dự báo trị giá xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 1,7 tỷ USD.
Tập trung xây dựng thương hiệu cá tra
Ngoài Trung Quốc-Hongkong, Mỹ cũng là thị trường có mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam và dự báo xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong năm 2016 đạt 366 triệu đô la Mỹ, (tăng 16% so với năm 2015)”. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam
|
Nhiều đại biểu cho rằng, thị trường xuất khẩu cá tra năm 2017 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn về thời tiết, có thể sụt giảm ở thị trường EU và Mỹ, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cá nguyên liệu một số nơi vẫn chưa được chặt chẽ nhưng nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng.
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương dự báo: “Năm 2017 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng, trong đó có sự góp sức từ thị trường Trung Quốc-Hongkong. Dự đoán trong năm 2017 tới, thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% so với năm trước”.
Ông Minh cho biết thêm, thị trường Trung Quốc là thị trường khá bền vững và có tiêu chuẩn nhập khẩu ở mức khá cao, tương đương với thị trường EU, chứ không phải tiêu thụ sản phẩm chất lượng thấp như một số thông tin đã nêu trong thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân Trung Quốc tăng cường mua cá tra ở ĐBSCL là vì giá rẻ. “Do sản phẩm có giá rẻ nên Trung Quốc nhập khẩu. Sắp tới, thị trường có thể nhập khẩu cá tra Việt Nam vượt 400 triệu đô la Mỹ” - ông Doãn Tới - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt nói.
Ông Trương Đình Hòe nhận định, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn tăng nhưng nhưng người dân và doanh nghiệp trong nước cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, thay vì tập trung vào sản lượng như trước đây.
Còn theo Bộ NNPTNT, giải pháp để phát triển ngành cá tra bền vững trong năm 2017 là phải áp dụng công nghệ mới nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tìm hướng mở rộng thị trường. Tuy vậy, vẫn phải quan tâm phát triển thị trường nội địa và tập trung xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam theo các tiêu chí chất lượng cụ thể.