Trung Quốc tiêu thụ chè lớn nhất thế giới

Trung Quốc tiêu thụ chè lớn nhất thế giới
Trong thế kỷ 21, Trung Quốc là quốc gia có diện tích trồng chè tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đại diện Bộ Nông nghiệp nông thôn (NN-NT) nước này cho biết.
 
Bà Tiêu Phóng, Vụ trưởng Quản lý giám sát chất lượng sản phẩm, Bộ NN-NT Trung Quốc.

Theo bà Tiêu Phóng, Vụ trưởng Quản lý giám sát chất lượng sản phẩm, Bộ NN-NT Trung Quốc, ngành chè nước này trong vài năm gần đây đang phát triển ổn định, hoàn thiện kết cấu sản phẩm và nâng cao chất lượng. Trong đó, diện tích và sản lượng chè của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đặc biệt diện tích tăng nhanh nhất thế giới trong thế kỷ 21.

Tính đến cuối năm 2018, diện tích trồng ở 18 tỉnh có ngành chè phát triển ở Trung Quốc là 2,9 triệu ha, tăng 1,8 triệu ha so với năm 2000, tỷ lệ là 175%. Trong khi đó, sản lượng chè cũng tăng trưởng ổn định hàng năm từ 680 ngàn tấn năm 2000 lên tới 2,6 triệu tấn năm 2018.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm chè của Trung Quốc đang dần hoàn thiện, thay đổi. Tỷ trọng sản lượng trà xanh, trà ô long đang liên tục giảm, thay vào đó là hồng trà, bạch trà và hoàng trà lại có sản lượng tăng, phục vụ khách hàng cả trong nước và quốc tế. Hiện nay, lượng tiêu thụ trà bình quân đầu người của Trung Quốc là 1,36 kg/người/năm.

Trong bối cảnh diện tích trồng và sản lượng tăng, Trung Quốc cũng quan tâm đến mô hình sản xuất xanh để bảo vệ môi trường. Cụ thể, các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, phân công thức tạo ra những vườn chè sinh thái tiêu chuẩn cao. Kết quả, dung lượng dùng phân bón hóa học, chất bảo vệ thực vật tại các khu vực áp dụng mô hình này trong năm 2018 giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Một khu vực trồng chè của Trung Quốc.

Bà Tiêu Phóng cho biết, ngoài tăng cường trồng và chế biến, Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển các thương hiệu chè có ưu thế và tăng cường quảng bá hình ảnh. Một số thương hiệu chè nổi tiếng của Trung Quốc hiện nay có thể kể đến là 'Long Tỉnh Tây Hồ', Bích La Xuân Động Đình', 'Mao Tiêm Tín Dương' hay một số hãng chè mới nổi như 'Hồng Trà Hồ Nam', 'Trà Xanh Vụ Nguyên' và 'Trà Đen Quý Châu'.

Quan trọng nhất, chất lượng chè của Trung Quốc đang được nâng cao. "Thông qua việc lập các tiêu chuẩn an toàn chất lượng và chính sách, chất lượng và độ an toàn của chè Trung Quốc luôn được duy trì ở mức cao", bà Tiêu Phóng cho biết. Hiện nay, Trung Quốc đã ban hành 65 hạn mức trong chè của 69 loại thuốc bảo vệ thực vật, năm 2018, tỷ lệ đạt chuẩn kiểm định đối với chè trên toàn quốc đạt 97,2%.

Với diện tích trồng chè khổng lồ, Trung Quốc không quên thúc đẩy tích hợp ngành nghề, phát triển 2-3 ngành nghề trên các vùng sản xuất ở khắp cả nước, tạo ra mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ, đầu tư vào bán hàng, tiêu thụ qua thương mại điện tử hay kết hợp trồng chè với du lịch bằng các hoạt động văn hóa đặc sắc, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch.

Với lịch sử uống chè hơn 3.000 năm, sản xuất, tiêu thụ chè lớn nhất thế giới và nhập khẩu chè đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ cho nông sản này. Trong khi đó, Việt Nam có những điều kiện tự nhiên ưu việt để sản xuất chè với những thành tựu mới về ngành này. Do đó, diễn đàn về sản xuất và tiêu thụ chè là sự kiện hết sức cần thiết để các doanh nghiệp 2 bên có cơ hội trao đổi với nhau nhằm nâng cao hiệu quả trong tương lai.

Văn hóa uống chè đã trở thành thói quen sinh hoạt ở phạm vi quốc tế nên tiềm năng tăng trưởng của ngành chè của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn rất lớn. Bà Tiêu Phóng khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam, cùng nhau đi sâu hợp tác, có những đóng góp mới cho ngành chè Việt Nam.

Theo TÙNG ĐINH/nongnghiep.vn