"Trứng bẩn Hà Lan không bán ở Việt Nam"
- Thứ tư - 09/08/2017 22:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Kiến Thức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, theo quan sát của ông, hệ thống siêu thị ở Hà Nội hiện không bán các sản phẩm trứng gà nhập khẩu từ thị trường Hà Lan.
Ông Phú cũng cho biết thêm, trứng gà bẩn nhiễm thuốc trừ sâu fipronil không có nhiều cơ hội nhập khẩu vào Việt Nam do nguồn cung trứng gà ở Việt Nam khá dồi dào, thừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Mặc dù vậy, ông Phú vẫn cảnh báo, nếu việc kiểm soát lỏng lẻo thì những sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể hâm nhập vào thị trường trong nước.
Trước đó, truyền thông Hà Lan loan báo, cơ quan chức năng nước này đã phát hiện ra chất hóa học fipronil trong rất nhiều mẫu trứng gà.
Chất hóa học fipronil được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây. Tuy nhiên, loại hóa chất này bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho con người. Nếu dư lượng fipronil trong thực phẩm cao, hóa chất này có thể gây bệnh về thận, gan và tuyến giáp ở người.
Để ứng phó với khủng hoảng, cuối tuần trước, các siêu thị ở Hà Lan và Đức đã rút khỏi kệ hàng hàng triệu quả trứng do nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại để đem đi tiêu hủy.
Sau khi Đức và Hà Lan thu hồi hàng triệu quả trứng gà bị nhiễm độc tại các siêu thị; Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng có động thái tương tự.
Trong khi đó, Anh và Pháp cũng đã thông báo một lượng trứng nhiễm bẩn có thể đã được nhập vào các nước này. Ngày 8/8, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã ra chỉ thị siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu trứng từ Hà Lan.
Trước đó, gần 200 trang trại chăn nuôi gia cầm trong số 1000 trang trại chăn nuôi gia cầm ở khu vực biên giới với Đức đã bị đóng cửa để nhà chức trách tiến hành điều tra xác định rõ nguồn gốc trứng “bẩn”. Mới đây, cơ quan thực phẩm Hà Lan đã tiến hành các cuộc xét nghiệm và tuyên bố trứng từ 59 trang trại có dư lượng lớn thuốc trừ sâu fipronil. Cơ quan này quyết định 138 trang trại vẫn sẽ phải đóng cửa.
Ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối này có thể lên tới hàng triệu euro. Đây là một đòn "giáng" mạnh vào các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan sau vụ tiêu hủy 190.000 con vịt hồi tháng 11/2016, thời điểm cao trào của dịch cúm gia cầm.
Theo kienthuc.net.vn