Vải thiều được mùa, được giá
- Thứ ba - 03/07/2018 21:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vải thiều năm 2018 đã xuất sang thị trường 30 nước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 2/7, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là 207.100 tấn với 182 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp đặt điểm cân xuất hàng. Trong đó, vải sớm 43.570 tấn (đã tiêu thụ hết), vải chính vụ 163.510 tấn (dự kiến còn khoảng 5-6 ngày nữa là hết vụ).
Riêng tại thị trường Trung Quốc, theo thống kê tại các cửa khẩu báo về ước sản lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu đạt 81.350 tấn, giá trị ước đạt 144,6 triệu USD.
Tại các thị trường khác như một số nước EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Australia… tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang xuất sang khoảng 1.000 tấn, giá trị ước đạt 1,8 triệu USD.
Tại thị trường nội địa, vải tươi cũng đã được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn phải kể đến các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh phía Nam thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị (Coop.Mart, Big C, Happro…).
Để giúp tiêu thụ sản lượng vải năm nay, nhiều biện pháp đã được nhà quản lý đưa ra nhằm khắc phục tình trạng được mùa rớt giá như vẫn xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản khác.
Nhiều DN phân phối đã tham gia nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trái vải, đồng thời giúp bà con nông dân tìm kiếm thêm các thị trường mới. Đơn cử, riêng hệ thống siêu thị Saigon Co.op ngay từ đầu vụ cũng đã đưa ra cam kết bao tiêu 400 tấn vải thiều được khai thác trực tiếp từ các tổ sản xuất tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hải Dương.
Saigon Co.op cũng đề xuất sẽ là đầu mối để đưa vải Lục Ngạn và các sản phẩm nông sản khác ra thị trường thế giới; đăng ký những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá như các mô hình nông nghiệp trên thế giới để người nông dân và thị trường nông sản trong nước không còn trăn trở với tình trạng “giải cứu”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp vẫn luôn trăn trở khâu tiêu thụ nông sản. Bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng thời gian tới, nhà sản xuất và các DN cần phải tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu, hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải của Việt Nam nói riêng một cách bền vững thời gian tới.
“Chỉ khi tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối được giữa nhà sản xuất và DN, lúc đó mới thực sự giải được bài toán tiêu thụ nông sản bền vững” - vị chuyên gia nhận định.
Minh Phương/daidoanket.vn