Vì sao xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn đà sụt giảm?

- 09 tháng năm 2015, giá trị xuất khẩu của ngành nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp cơ cấu lại sản xuất và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Vẫn "chuyện biết rồi... khổ lắm... nói mãi"
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 09 ước đạt 2,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 09 tháng năm 2015 lên 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức giảm liên tiếp trong những tháng gần đây.
Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng, như: cà phê (32%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%). Điều này tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam.
Các nhà phân tích nhận định có khá nhiều vấn đề nổi cộm về giá xuất khẩu của nông sản Việt, dù được khuyến cáo cả chục năm nay, nhưng vẫn là "chuyện biết rồi... khổ lắm... nói mãi" thực trạng vẫn giậm chân tại chỗ.
Một nguyên nhân lớn nhất, ai cũng biết, song khổ lắm nói mãi... vẫn thế: đó là tình trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng thô và nhằm vào những thị trường dễ tính, dễ bị ép giá.
Mặt hàng gạo, quá "tự hào" là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng giá chào bán gạo của Việt Nam luôn ở mức thấp trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, thấp hơn 10 – 50 USD giá bình quân thế giới. Điều đó khiến kim ngạch xuất khẩu gạo không đáp ứng như kỳ vọng, trong 09 tháng 2015 Khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 428 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 09 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Tiếp đến là mặt hàng xuất khẩu cà phê cũng không thoát khỏi tình trạng giảm về khối lượng và giá trị, trong tháng 09 năm 2015 ước đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 09 tháng đầu năm 2015 ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Do đã quen xuất khẩu cà phê thô nên từ trước đến giờ, dù có sản lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cà phê trong nước vẫn không làm chủ được giá xuất khẩu mà để cho các nhà đầu cơ khống chế.
Với ngành cao su, khoảng 3 năm lại đây, giá liên tục giảm sâu, không ít doanh nghiệp lao đao vì khó tìm đầu ra mà giá xuất cũng kém so với mặt bằng chung.

Bằng chứng là tháng 09 năm 2015, xuất khẩu đạt 100 nghìn tấn với giá trị đạt 131 triệu USD, do đó 09 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 740 nghìn tấn, giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng lại giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
 
Nhiều doanh nghiệp cao su lao đao do khó tìm đầu ra
Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng giảm mạnh. Giá các mặt hàng thủy sản chính như cá tra và tôm cũng không mấy khả quan nên giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 09 năm 2015 ước đạt 541 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 09 tháng đầu năm 2015 đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Có một vấn đề tồn tại lâu nay, đó là nhóm hàng nông sản, thủy sản khi xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Úc, EU và nhiều thị trường khó tính khác thường xuyên gặp phải rào chắn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôm, cá tra, và nhiều loại nông sản khác đã từng bị một số nước như Mỹ, Nhật Bản cấm nhập khẩu do tồn dư kháng sinh, hóa chất cao, không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của đối tác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sụt giảm.
Đi tìm hướng đi: Vẫn loay hoay

Trước những khó khăn dẫn đến sự sụt giảm mạnh của những ngành hàng nông, thủy sản chính trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.  
Tuy nhiên, theo TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cái quan trọng là phải thay đổi tư duy theo hướng thị trường. Nhìn tổng thể, thị trường nông nghiệp nước ta đang bị rời rạc, méo mó, lệch lạc.
Lâu nay chúng ta chỉ lo tăng năng suất, sản lượng mà không lo giá trị gia tăng, không lo hiệu quả, chỉ tập trung sản xuất cho thị trường thấp, chất lượng thấp, dễ tính. Hiện, các mặt hàng lúa, gạo, càphê… đều có sản lượng lớn, thuộc tốp đầu thế giới, song chúng ta vẫn chỉ sản xuất theo tư duy “sợ đói” và hướng tới các thị trường dễ tính thì rất khó để gia tăng giá trị.
Một vấn đề nữa cũng làm nông sản Việt gặp rủi ro mất giá là vì tập trung quá nhanh, quá nhiều vào một số thị trường lớn. Thị trường Trung Quốc chính là một điển hình. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu chính. Điều này dẫn đến việc nông sản Việt Nam luôn phụ thuộc, ùn ứ hàng và chuyện bị ép giá là đương nhiên.
Một khi nền nông nghiệp chưa đẩy nhanh chiến lược nâng cao chất lượng, thương hiệu cho nông sản Việt Nam, còn phụ thuộc vào một hai thị trường chủ yếu thì dù xuất khẩu đến cỡ nào nhưng giá trị mang về vẫn lại thấp.
Bởi vậy, theo ông Thiên, nền nông nghiệp nước ta cần phải xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường. Muốn làm được, các thành viên trong chuỗi giá trị (đặc biệt là nông dân, nhà sản xuất) phải có định hướng thị trường và trong chuỗi giá trị này không thể thiếu vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp.
 
Còn, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Ipsard, một trong những “lời giải” cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là phải hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ví dụ gạo là thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, Malaysia... Cà phê là thị trường Hàn Quốc, Ailen, Nga, Úc, Thái Lan… Cao su là Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ; Thủy sản là Úc…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard, cũng cho rằng về trung và dài hạn cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, khoa học công nghệ nông nghiệp. Song song với đó là xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, như: hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt chú trọng những thị trường chính và đối thủ cạnh tranh đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất các ngành hàng nông sản có lợi thế, như: lúa, cà phê, hạt tiêu, cao su… và xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị./.
Lê Thủy
http://kinhtevadubao.vn/