Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường tôm nước lợ
- Chủ nhật - 08/01/2017 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, năm 2016, thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, với giá trị 7 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 6,7 triệu tấn. So với năm 2015, tổng sản lượng tăng 2,5%; tỷ trọng sản lượng nuôi trồng chiếm 54,2%, cao hơn năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 6,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, năm 2017, ngành tiếp tục phát huy thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển những sản phẩm thủy sản là lợi thế của các địa phương. Lợi thế về tôm nước lợ đã xác định rõ, “dư địa” còn nhiều, trong số hơn 700.000ha tôm hiện nay, mới có 95.000ha nuôi công nghiệp, còn hơn 600.000ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái năng suất còn thấp. Ngành sẽ tập trung các giải pháp để tăng năng suất bình quân trên mỗi đơn vị diện tích thủy sản năng suất còn thấp.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, các đơn vị cần chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương; phải kiểm soát tốt dịch bệnh và dư lượng thuốc kháng sinh cũng như những yếu tố đầu vào của thủy sản, đặc biệt là chất lượng con giống. Bên cạnh đó áp dụng các quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn. Năm 2017 cũng phải chủ động các giải pháp trong ứng phó những bất lợi của thời tiết như: Hạn hán, mặn xâm nhập và thị trường xuất khẩu.
Nuôi tôm nước lợ đang có nhiều lợi thế để phát triển. Ảnh: L.Đ
Năm 2017, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 6,85 triệu tấn. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,05 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 3,8 triệu tấn, cung cấp nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu đạt 7,1 tỷ đô la.
Trong năm 2016, con tôm nước lợ có tốc độ phát triển tăng tới 9% và hiện có tiềm năng phát triển khoảng 700.000ha. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành này đang có 2 thuận lợi: Về thị trường, thế giới 7 tỷ người đều thích ăn tôm và con tôm thẻ chân trắng rất thích nghi với điều kiện nuôi trồng ở nước ta. “Chẳng thế mà dù bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm khiến sản lượng tôm sụt giảm, đạt chưa đến 200.000 tấn (bằng 28% kế hoạch đề ra), nhưng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn; xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD. Đây là một sự gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu rất đáng ấn tượng. Về dài hạn, tôm nước lợ cũng là mặt hàng có lợi thế và còn dư địa để phát triển, đặc biệt khi xâm nhập mặn tăng lên thì chúng ta càng phải tính tới đối tượng này” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.