Vốn tín dụng vào cuộc chống hạn, mặn

NHNN đã ban hành Chỉ thị 03 về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều NHTM cũng sẵn sàng khoanh nợ, giãn nợ và cung ứng nguồn vốn mới cho các địa phương bị thiệt hại
Ảnh minh họa

Ngàn tỷ đồng đã mất vì nước mặn

Báo cáo nhanh của Bộ NN&PTNT cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến cho khoảng 400 ngàn ha lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 ở các tỉnh ĐBSCL bị giảm 50% năng suất, trong đó có khoảng 160 ngàn ha gần như mất trắng.

Các dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR) cho thấy, khả năng xâm nhập mặn có thể kéo dài đến hết mùa khô năm nay (hết tháng 4/2016 -PV). Nếu thời tiết không có mưa, các khu vực cách biển khoảng 30-45km thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau… trong vòng một tháng tới sẽ gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Như vậy, sẽ có thêm khoảng 45.000 – 50.000 ha lúa Đông Xuân (trà muộn) bị cháy do thiếu nước ngọt và coi như không có thu hoạch.

Ngoài ra, các vùng trồng cây ăn trái tại Gò Công, Cai Lậy (Tiền Giang), vùng nuôi tôm khu vực giáp ranh Sóc Trăng – Cà Mau, vùng nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía Nam sông Cái Lớn (Kiên Giang), Bình Đại (Bến Tre)… sẽ bị ảnh hưởng nặng. Các hộ dân cũng như các hợp tác xã nuôi tôm theo mô hình quảng canh, nuôi nhuyễn thể hai mảnh, hoặc nuôi cá lồng bè trên sông, vài trăm tỷ đồng sẽ bị cuốn phăng theo đó.

Theo uớc tính của Bộ NN&PTNT, với diễn biến như hiện nay khả năng tổng thiệt hại toàn vùng do quá trình xâm nhập mặn của nước biển trong vụ Đông Xuân 2015-2016 sẽ ở mức hàng ngàn tỷ đồng. Nếu diễn biến thời tiết tiếp tục khô hạn kéo dài đến tháng 6/2016 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500 ngàn ha lúa Hè Thu không được xuống giống đúng thời vụ. Khi đó, con số thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều và sẽ có ít nhất khoảng 300 ngàn hộ dân (tương đương khoảng 1,5 triệu người dân) sẽ không có thu nhập từ cây lúa.

Cấp bách nguồn vốn khắc phục

Theo những nghiên cứu của SIWRR, trong thời gian tới, để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết và hạn chế các tác động tiêu cực của quá trình xâm nhập mặn, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần cấp thiết hoàn thiện các công trình ngăn mặn hiện hữu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điều tiết nước ngọt đã có trong quy hoạch.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016-2020, có 19 dự án điều tiết nước ngọt nằm trên địa bàn 9 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần phải được đầu tư, hoàn thiện. Đó là các dự án như: Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cống, máy bơm khu vực Tân Trụ (Long An); dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang); dự án nạo vét trục chuyển ngọt Mây Phốp – Ngãi Hậu (Trà Vinh); dự án trạm bơm Đại Ngãi (Sóc Trăng); dự án kiểm soát mặn – ngọt hóa vùng Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu)…

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, ngoài những dự án trên, một số dự án khác như: dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (Hậu Giang); dự án trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang), cống Thủ Cựu (Bến Tre), cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), hệ thống chuyển nước cho nam Quốc lộ 1 (Bạc Liêu)… cũng cần nguồn vốn khoảng trên 1.000 tỷ đồng để hoàn thiện. Vì thế kinh phí để hoàn chỉnh đầu tư các dự án ngăn mặn giai đoạn 2016-2020 sẽ rất lớn.

Trước mắt, Chính phủ đã trích nguồn ngân sách dự phòng 523,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho 34 địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, để trải đều cho các địa phương bị thiệt hại, Chính phủ cấp một khoản kinh phí hơn 10.500 tỷ đồng, trong đó, khoảng 620 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả của hạn mặn; hơn 200 tỷ đồng để người dân mua giống, khôi phục sản xuất. Số còn lại cho các địa phương tạm ứng để hỗ trợ khẩn cấp kinh phí phòng, chống thiên tai.

Sẽ giãn nợ hàng ngàn tỷ đồng

Để tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 9/3 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 03, yêu cầu các NHTM lập tức rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL gây ra. Sau đó, căn cứ trên mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cho DN và người dân theo các quy định tại Nghị định 55 cũng như Thông tư số 10/2015 của NHNN về các chính sách phát triển nông nghiệp – nông thôn.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác tại khu vực ĐBSCL, bao gồm cả khách hàng có nợ cũ chưa trả được nhưng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, chưa có thu nhập mới.

Theo dõi tại khu vực ĐBSCL đến thời điểm hiện nay, việc rà soát nguồn vốn tín dụng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đang được các TCTD triển khai khá khẩn trương và tích cực.

Tại Cà Mau, ông Phan Văn Lùng, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết, hiện đơn vị này đã chỉ đạo cho toàn bộ các chi nhánh cấp huyện và các phòng giao dịch thực hiện thống kê thiệt hại do tình hình xâm nhập mặn gây ra. Trên cơ sở này, nếu khách hàng nào bị thiệt hại từ 10-40% có thể gia hạn nợ, thiệt hại từ 40-80% có thể khoanh nợ. Nếu hộ nào thiệt hại 100% vốn vay do mất trắng toàn bộ diện tích lúa hoặc hoa màu, thì NHCSXH Chi nhánh tỉnh sẽ trình Chính phủ để có giải pháp xử lý.

Trong khi đó, tại Cần Thơ, đại diện VPĐD Agribank Khu vực miền Tây Nam bộ cho biết, đơn vị cũng đã có công văn chỉ đạo các chi nhánh cấp tỉnh trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện thống kê thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ theo Chỉ thị 03 của NHNN. Hiện các địa phương vẫn đang tiến hành rà soát nên chưa có số liệu báo cáo cụ thể.

Tuy nhiên, nếu tính toán trên số lượng nguồn vốn tín dụng mà hệ thống Agribank đầu tư vào khu vực ĐBSCL thì hiện nay dư nợ của các chi nhánh địa phương cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, ước khoảng 90.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng dư nợ của toàn vùng.

Vì vậy, nếu căn cứ vào các thống kê thiệt hại sơ bộ mà Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đã rà soát thì có thể có hàng nghìn tỷ đồng vốn vay từ Agribank đã bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này đồng nghĩa rằng, thời gian tới một lượng lớn hợp đồng vay của các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… sẽ được gia hạn thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ cũ để cho vay mới khắc phục hậu quả thiên tai.

Đề nghị ưu tiên vốn ODA cho dự án chống hạn mặn: Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ bố trí 1.060 tỷ đồng đầu tư một số công trình phòng chống hạn và xâm nhập mặn, ngoài ra bố trí nguồn thêm 8.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để thực hiện các dự án có tác động liên vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện nay, nguồn vốn ODA dành cho các danh mục dự án chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam mỗi năm ước khoảng 250 triệu USD. Chính phủ nên xem xét ưu tiên cho phép sử dụng nguồn vốn này cho ĐBSCL, thì hai năm tới sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ xây dựng hoàn thiện các dự án chống xâm nhập mặn và ngọt hóa đồng ruộng.

Thời báo Ngân hàng