Theo ông Lĩnh, nông dân hạn chế nuôi vụ mới nên từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm khó tăng cả về sản lượng lẫn giá trị do nguyên liệu sụt giảm. Tuy vậy, các nhà nhập khẩu vẫn còn tôm tồn kho giá thấp đã mua trước đó.
“Điểm yếu của ngành tôm Việt Nam là giá thành tôm nuôi cao hơn thế giới, nếu hạ được giá thành thì lợi nhuận sẽ tăng. Điều bất hợp lý là nguyên liệu thức ăn thủy sản đang ở mức thấp nhưng giá thức ăn cho tôm không hề giảm”, ông Lĩnh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết, năm nay, sản lượng tôm nuôi không như dự kiến, nguồn nhập khẩu không đáng kể nên xuất khẩu không tăng. Khả năng hết năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất bằng năm 2018 hoặc giảm chút đỉnh.
Giải pháp khơi thông thị trường
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể khả quan hơn trong những tháng cuối năm nay nhờ hiệu ứng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản cũng có thể khả quan hơn, nhất là với mặt hàng tôm.
Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn lo ngại thẻ vàng IUU có thể kéo giảm xuất khẩu hải sản sang EU. Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc được dự báo không có dấu hiệu cải thiện, ít nhất là trong nửa cuối năm nay, nên xuất khẩu sang thị trường này dự kiến vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Có khả năng, từ ngày 1/10/2019, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.
Do đó, VASEP lưu ý doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng.
Đối với mặt hàng tôm, muốn tăng sức cạnh tranh, người nuôi tôm cần hướng tới nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ASC, BAP… để dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp của Trung Quốc.
Đối với ngành hàng cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp và người nuôi cá đang gặp khó khăn, nếu tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Tình hình hiện nay rất cần Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường để gia tăng lượng xuất khẩu, giải phóng hàng tồn.
Bên cạnh đó, cũng cần chính sách cụ thể để phát triển thị trường nội địa bởi thị trường gần 100 triệu dân rất lớn nhưng hiện tiêu thụ chưa tới 5% sản lượng cá tra sản xuất được. “Cá tra là loài thủy sản nuôi sạch, giá rẻ so với nhiều loài cá khác nên nếu được hỗ trợ bước đầu để xây dựng kênh phân phối nội địa, sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường”, ông Quốc nói.
Với những tín hiệu khả quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ hồi phục với mức tăng khoảng 5% và đạt trên 5 tỷ USD.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU, đạt hơn 300 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng qua, 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu thủy sản Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 55,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản . Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 21,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 16,6%; Malaysia tăng 13,2% và Nhật Bản tăng 11%. |