XK thủy sản sang Trung Quốc: Tăng trưởng ngoạn mục
- Thứ sáu - 25/04/2014 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo về diễn biến xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 năm qua (2003 - 2013) của VASEP, XK thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng 36,6% trong năm 2013, kim ngạch 572,7 triệu USD; đưa Trung Quốc từ vị trí thứ 5 vươn lên vị trí thứ 4 trong các thị trường NK thủy sản Việt Nam. Cơ cấu kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc năm 2013 như sau: tôm đạt 381,2 triệu USD (chiếm 66,6%); cá tra 91,15 triệu USD (15,9%); cá ngừ 12,4 triệu USD (2,2%); cá biển khác 55,8 triệu USD (9,7%); cua ghẹ 7,7 triệu USD (1,3%); nhuyễn thể 24,56 triệu USD (4,3%).
Tôm vẫn là mặt hàng XK chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 38,2%, kim ngạch XK cá tra cũng tăng trưởng khả quan, đạt 23%, mực - bạch tuộc tăng 4%. Tỷ trọng mặt hàng tôm trong tổng XK thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% (năm 2003) lên trên 64% (năm 2011), và đạt tới 66,6% năm 2013. Giá tôm XK sang thị trường này tăng từ 6,53 USD/kg (năm 2000) lên mức cao nhất là 8,68 USD/kg (năm 2002), rồi giảm xuống trong những năm tiếp theo. Từ năm 2006 đến 2012, giá tôm XK sang thị trường Trung Quốc duy trì trong khoảng 7,5-8,5 USD/kg và dự báo có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. So sánh giá tôm XK của Việt Nam và Thái Lan sang thị trường Trung Quốc thấy, trong giai đoạn 2000-2006, giá tôm Thái Lan luôn cao hơn giá tôm Việt Nam, nhưng đến năm 2013 thì ngược lại, giá tôm XK của Việt Nam tăng cao hơn các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc như Thái Lan, Ấn Độ.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 5 về tiêu thụ mực, bạch tuộc của Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và ASEAN. Tuy nhiên, giá trị XK không cao, chỉ chiếm chưa đến 6% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam. Các mặt hàng thủy sản XK sang Trung Quốc có sự biến động trong từng giai đoạn. Nếu như giai đoạn 2000 -2008, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc chủ yếu là hải sản các loại, các sản phẩm khô, cá ngừ, cá tra, mực và bạch tuộc thì từ năm 2009 đến nay, các sản phẩm XK sang thị trường này đã đa dạng hơn về chủng loại. Tỷ trọng mặt hàng khô giảm xuống, tỷ trọng mặt hàng tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ, giáp xác tăng.
Theo nhận định của VASEP, trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thì Trung Quốc đang được coi là thị trường quan trọng nhất cần hướng đến. Bởi lẽ, người tiêu dùng ở quốc gia này đang có xu hướng chuyển từ ăn thịt sang thủy, hải sản. Bằng chứng là trước đây, nhiều mặt hàng thủy sản của Trung Quốc một phần để XK, còn nay lại chuyển sang NK để đáp ứng nhu cầu nội địa. Hơn nữa, xét về yếu tố địa lý thì Việt Nam gần Trung Quốc và các nước ASEAN nên chi phí vận chuyển thấp khiến giá bán rẻ hơn, nhờ đó, thu hút được nhiều người tiêu dùng. Yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật nông sản ở nước này không cao như các thị trường lớn khác. Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản sang Trung Quốc bằng cả đường bộ và đường biển. Dự báo năm 2014, kim ngạch XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 650 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2013.
Tránh rủi ro khi giao thương tiểu ngạch
Đề cập đến mặt trái trong giao thương nông sản với Trung Quốc, VASEP nhấn mạnh đến tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, đặc biệt là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác. Việc ồ ạt thu mua XK tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu XK, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển của ngành.
Theo các doanh nghiệp, một trong những trở ngại lớn trong giao thương với Trung Quốc hiện nay là khâu đàm phán giá bán. Người Trung Quốc có thói quen mặc cả rất nhiều, đòi hỏi các chuyên viên đàm phán của ta phải rất nhẫn nại, phải xác định được đối tác có phải là người quyết định cuối cùng không. Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế và Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng L/C.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trở ngại lớn nhất lại ở phía Việt Nam, nhất là giải quyết thủ tục hải quan tại khu vực cửa khẩu. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn lấn cấn về quy chế và chính sách, không thông thoáng linh hoạt như phía Trung Quốc. Chính vì vậy, doanh nghiệp thủy sản hai nước đang có xu thế muốn giao thương tiểu ngạch nhiều hơn để tránh những thủ tục hải quan phức tạp, đồng thời tránh được thuế. Nhưng kinh doanh tiểu ngạch chỉ có lợi cho đối tác Trung Quốc, lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về thu hồi nguồn vốn cho doanh nghiệp nước ta. Mặt khác, doanh nghiệp thiếu thông tin về xu hướng và sự biến động của thị trường nên dễ gặp rủi ro. Vì thế, VASEP lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc cần tỉnh táo, lựa chọn các hình thức xuất khẩu an toàn để tránh bị thiệt hại.
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn