Xây dựng cà phê Việt chất lượng cao

Tháng 11/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định Phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Theo đó, sẽ phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê.

Hỗ trợ DN xây dựng các thương hiệu cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành cà phê Việt Nam từ trước đến nay vẫn yếu trong nhiều khâu, từ tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến. Về diện tích trồng, trên cả nước hiện có đến 120.000 ha cây cà phê già cỗi, nhiều địa phương chưa có kế hoạch tái canh. Quá trình trồng trọt còn sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, chưa chủ động nguồn nước tưới tiêu, khiến năng suất và chất lượng cà phê không ổn định do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Việc thu hoạch, sơ chế và chế biến cà phê gần như làm hoàn toàn thủ công (phơi nắng, phân loại và dự trữ). Những khó khăn này đã khiến người nông dân ít mặn mà với trồng cà phê, thậm chí tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều hộ nông dân bỏ cây cà phê, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ở thị trường xuất khẩu, từ hơn chục năm qua, cà phê Việt Nam luôn đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu (sau Brazil). Riêng năm 2017, dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, với quy mô thị trường là 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cà phê chỉ xuất ở dạng thô, nên rất ít khách hàng thế giới thật sự biết đến cà phê Việt Nam.

Để phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án này là 170 tỷ đồng.

Thời gian từ năm 2018 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn; Hỗ trợ đầu tư sản xuất, hoàn thiện quy trình canh tác cà phê chất lượng cao, bền vững, theo hướng GAP (quản trị tốt vùng nguyên liệu với diện tích 50 nghìn ha - 80 nghìn ha/năm từ sản xuất đến tiêu thụ); Hỗ trợ tối thiểu 10 DN hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt, nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch;

Hỗ trợ tối thiểu 10 DN xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao (thử nghiệm, khuyến nông, trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới). Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt trên 100 tỷ đồng/năm.

Về mô hình sản phẩm hàng hóa, có ít nhất 10 DN tham gia trực tiếp xây dựng mô hình liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Tại mỗi tỉnh, diện tích trồng giống mới là khoảng 5 nghìn - 10 nghìn ha/năm, hoặc trồng tái canh từ 20 nghìn - 30 nghìn ha/năm.

Có ít nhất 10 DN tham gia đầu tư vào sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến thương mại. Xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% DN đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, DN tham gia đề án được áp dụng các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; hay chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa theo quy định hiện hành.

Đồng thời, ưu tiên áp dụng các chính sách hiện có, để hỗ trợ DN xây dựng các thương hiệu cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.