Xây dựng giá trị thương hiệu hạt gạo Việt Nam (Tiếp theo và hết)
- Thứ ba - 23/01/2018 21:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam
Theo các chuyên gia, gạo của các nước trên thế giới có thể giống nhau về tên gọi, hình thức nhưng chắc chắn có sự khác biệt về đặc trưng. Hạn chế lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam kéo dài hàng chục năm qua là chưa tìm được đặc trưng của mình để xây dựng thương hiệu. Ðây chính là "mắt xích" yếu nhất và cũng là nguyên nhân khiến gạo Việt Nam chưa có đặc điểm nổi bật để hấp dẫn người tiêu dùng thế giới. Do đó, nước ta chiếm 15% thị trường gạo xuất khẩu, nhưng không quyết định được giá, mà phụ thuộc hoàn toàn vào giá gạo thế giới.
Ðề cập thị trường xuất khẩu gạo, GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam nêu nghịch lý: Trong khi giá gạo trong nước bán được bình quân 15 nghìn đồng/kg (tương đương 700 USD/tấn), thì khi xuất khẩu giá lại rất thấp, chỉ khoảng 400 USD/tấn. Bởi vậy, chúng ta không nên đặt nặng về thị trường gạo, vì một năm thị trường xuất khẩu gạo thế giới chỉ có 15 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gạo rất hẹp, cung tăng một chút thì giá tụt xuống.
Ðể tăng chuỗi giá trị hạt gạo, Trưởng phòng Quản lý xuất khẩu gạo (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) Trần Xuân Long đưa ra các nhóm giải pháp, đó là: Tổ chức lại sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ để phát triển thị trường xuất khẩu; hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, logistics, thanh toán.
Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có vai trò quan trọng nhất, bởi khi có thương hiệu, sẽ có thị trường tiêu thụ, chứ không cần phải đi xúc tiến hay tìm kiếm thị trường. Nếu không có thương hiệu, dù Nhà nước hỗ trợ cả nghìn tỷ đồng thì gạo Việt Nam vẫn không bán được hoặc bán với giá rất thấp. Thực tế đã chứng minh, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, các nhà nhập khẩu gạo Việt Nam phải trả thêm từ 50 đến 80 USD/tấn gạo đồng nhất. Và các năm sau, gạo đồng nhất, thơm, sạch của nước ta được nhiều nhà nhập khẩu gạo ở nhiều quốc gia đặt hàng. Ngay trong năm 2017, nhiều nhà nhập khẩu gạo đặt hàng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không có hàng để bán.
Giám đốc Công ty TNHH Việt Thanh, TP Tân An (Long An) Ðặng Văn Thanh kiến nghị: "Việt Nam chưa có cơ quan kiểm định chất lượng gạo ngang bằng quốc tế. Nếu biết sản phẩm lúa của nông dân sản xuất đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp sẵn sàng thu mua giá cao hơn giá thị trường. Nhà nước cần sớm thành lập cơ quan kiểm định chất lượng lúa gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị hạt gạo trong tương lai".
Tạo vùng nguyên liệu rộng lớn
Thực tế từ việc xuất khẩu gạo nhiều năm qua cho thấy, muốn xây dựng thương hiệu, gia tăng chuỗi giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa, không còn cách nào khác phải chọn mô hình hợp tác hóa, hợp tác xã (HTX) kiểu mới, hay nói cách khác là xây dựng từ vùng nguyên liệu. Phải tập hợp những người sản xuất lại thành một. GS, TS Bùi Chí Bửu đưa ra dẫn chứng: "Nhiều năm trước, chúng ta đã có thương hiệu gạo Jasmine 85, nếp OM85 xuất khẩu sang Nhật Bản từ 200 đến 300 nghìn tấn mỗi năm với giá không dưới 700 USD/tấn. Khi số lượng xuất khẩu tăng lên khoảng một triệu tấn thì phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu, kể từ đó, phía Nhật Bản quyết định ngừng mua. Năm 2016, gạo xuất sang thị trường Hoa Kỳ cũng bị trả về vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn để tập hợp nông dân sản xuất theo một quy trình chặt chẽ".
Theo Giám đốc Sở Công thương Long An Lê Minh Ðức trong sản xuất nông nghiệp, muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có ba tiêu chuẩn đặc biệt: Sản phẩm phải an toàn; có đầu mối giao nhận; sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc. Sản xuất lúa hiện nay, muốn tăng "chất", trước hết phải ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Bởi thực tế tại Long An, khi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, chi phí sản xuất giảm từ hai đến ba triệu đồng và năng suất tăng 0,5 tấn/ha. Ngoài ra, phải sử dụng giống rõ nguồn gốc, chất lượng; tổ chức lại hệ thống phân phối giảm bớt khâu trung gian bằng cách liên kết từ sản xuất - tiêu thụ, chế biến. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng: Vùng nguyên liệu lúa sẽ quyết định hoàn toàn đến ngành gạo, kể cả chất lượng, giá trị, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Phải có quy hoạch sản xuất cho từng loại lúa hàng hóa phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, miền; nâng cao chất lượng lúa gạo theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ...
Là nhà khoa học nhiều năm gắn bó với nông dân trồng lúa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang, TS Lê Hữu Hải chia sẻ: Nếu không có chính sách phù hợp thì sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ không giữ vững được năng suất. Thiếu lao động có kỹ thuật và sản xuất nhỏ lẻ sẽ không đủ sức chống đỡ với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ðể nông dân trồng lúa có cuộc sống tốt hơn, cần có chính sách mạnh dạn đầu tư cho vùng nông thôn, nhất là giao thông. Ðây là nền tảng quan trọng để giúp phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng lúa có nhiều cơ hội tìm thêm nguồn thu nhập khác.
Bên cạnh đó, thủy lợi cũng là lĩnh vực cần được đầu tư đồng bộ để giúp nông dân có khả năng chống chịu với thiên tai, tránh thất thu. Cần nhanh chóng thay đổi định mức hạn điền, vì hiện nay đang diễn ra sự phân hóa trong nội bộ nông dân trồng lúa theo hướng: Người có kỹ thuật, có kinh nghiệm tốt, có vốn sản xuất, lợi nhuận ngày càng cao và đang tích lũy dần ruộng đất. Ngược lại, nhóm nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức và hiện nay còn có tình trạng thiếu lao động... Các vấn đề này dẫn đến sản xuất lúa không có lãi (chi phí sản xuất cao nhưng năng suất không cao). Nếu duy trì lực lượng này trồng lúa thì kinh tế lúa gạo sẽ không tăng trưởng được.
Vì vậy, để sản xuất lúa gạo phát triển, cần thay đổi chính sách về hạn điền, hoặc có chủ trương khuyến khích nhóm nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức và thiếu lao động cho những người có đủ năng lực hoặc doanh nghiệp thuê đất để sản xuất trên quy mô lớn. Hiện nay, ngành tài nguyên môi trường đã số hóa bản đồ giải thửa. Ðây là cơ sở quan trọng để tạo hành lang pháp lý cho nông dân yên tâm cho thuê đất.
Ðể tái cơ cấu từ vùng nguyên liệu trồng lúa, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2030, diện tích đất lúa cả nước cần giữ ít nhất là 3,2 triệu ha với diện tích gieo trồng 6 triệu ha và năng suất bình quân 6 tấn/ha. Theo phương án giữ đất lúa ở mức tối thiểu cho an ninh lương thực, xuất khẩu gạo sẽ giảm dần. Trường hợp xuất khẩu đem lại lợi ích, nếu giữ đất lúa 3,5 triệu ha, khả năng xuất khẩu gạo đạt từ 4 đến 5 triệu tấn/năm.
Qua đó, xác định vùng chuyên canh lúa trọng điểm thuộc tám tỉnh, thành phố: An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An với sản lượng chiếm một nửa sản lượng lúa ở ÐBSCL. Ðây là vùng sản xuất lúa thuận lợi, bảo đảm hai vụ lúa năng suất cao. Ðối với vùng này, cần đầu tư tương xứng để hoàn thành đồng bộ cơ sở phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thương mại, đạt cơ giới hóa toàn bộ; đạt sản xuất theo phương thức tập thể, liên kết, liên doanh trên toàn bộ diện tích khoảng 800 nghìn ha trồng giống lúa chất lượng cao, đồng thời áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, Cục Trồng trọt cũng xác định vùng lúa thơm đặc sản, lúa hữu cơ một vụ luân canh lúa - tôm ở các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau, hiện có 150 nghìn ha và có thể tăng lên 500 nghìn ha để trồng lúa chất lượng cao đi vào phân khúc thị trường gạo đặc sản có giá trị cao nhất trên thị trường thế giới.
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030: Giai đoạn 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn, trị giá đạt bình quân từ 2,2 đến 2,3 tỷ USD/năm; Giai đoạn 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng bốn triệu tấn, trị giá đạt từ 2,3 đến 2,5 tỷ USD/năm. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi, đến năm 2030, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 40%; gạo nếp 25%; gạo dinh dưỡng khác hơn 10%, gạo trắng thường chiếm 25%.