Xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh
- Thứ năm - 27/06/2019 03:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Theo VASEP, từ ngày 1/1 đến 15/5, xuất khẩu cá tra, basa sang EU đã đạt 105,2 triệu USD, tăng tới 31,5% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, sau khi tăng trưởng trở lại trong năm ngoái (tăng 20,2% và đạt 243,9 triệu USD), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra sang EU không những tiếp tục giữ được đà tăng trưởng mà còn đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng nói trên. Mức tăng trưởng này cũng phù hợp với dự báo của VASEP về tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang EU trong năm nay, từ 20 - 35%.
Sự tăng trưởng tốt ở thị trường EU có đóng góp quan trọng ở 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ. So với cùng kỳ 2018, từ đầu năm đến giữa tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang Hà Lan tăng 12,2%; sang Anh tăng 59,4%; Đức tăng 61,6%; Bỉ tăng 63,8%.
Nhu cầu nhập khẩu gia tăng ở nhiều nước EU đã làm cho giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này tăng lên. Nếu như năm 2016 - 2017, giá cá xuất khẩu sang EU chỉ ở mức 2 - 2,6 USD/kg, thì đến đầu 2018 đã tăng lên ở mức 2,8 - 3,5 USD/kg, và quý 1 năm nay đạt 2,93 - 3,55 USD/kg.
Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, giá cá tra nhập khẩu vào Hà Lan trong 5 tháng đầu năm nay đang khá tốt. Cụ thể, sản phẩm cá tra, basa tươi, ướp lạnh có giá từ 7,9 - 9,2 USD/kg; cá tra đông lạnh từ 2,2 - 2,4 USD/kg. Giá cá tra nhập khẩu bình quân vào Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan… cũng đang ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.
Với sự tăng trưởng trở lại trong năm 2018 và tăng trưởng mạnh của 5 tháng đầu năm nay, cá tra đang đứng trong Top 4 sản phẩm cá thịt trắng được ưa chuộng nhất ở châu Âu và chiếm 9% thị phần cá thịt trắng ở khu vực này (mỗi năm châu Âu sử dụng khoảng 3 triệu tấn cá thịt trắng, trong đó 89% là từ nhập khẩu).
Trong thời gian tới, với những lợi thế về thuế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu cá tra, basa sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, các nước Trung và Đông Âu cũng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu cá tra. Bằng chứng là một lượng cá tra không nhỏ nhập khẩu vào Hà Lan, Đức và Bỉ đã được tái xuất sang các nước Trung và Đông Âu vốn không có các cảng nhập khẩu lớn.
Nguồn nguyên liệu cá tra đạt tiêu chuẩn ASC cũng là một lợi thế để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Thống kê cho thấy sản phẩm cá tra được dán nhãn ASC vẫn đang có xu hướng được ưa chuộng và có giá nhập khẩu cao hơn so với sản phẩm khác. Năm 2018, tại Hà Lan, philê cá tra dán nhãn ASC, rã đông được bán với giá tới 14,29 USD/kg; philê cá tra bao bột đông lạnh, nhãn ASC, giá 9,56 USD/kg…
Ở thị trường châu Âu, cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá minh thái, cá Hake, cá rô phi… Trong những năm qua, cá tra Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công ở EU do bảo hộ ngành khai thác cá thịt trắng bản địa. Chính vì vậy, để tiếp tục đứng vững và tăng trưởng tốt tại thị trường quan trọng này, công tác quản lý và kiểm soát chất lượng, ATTP với cá tra xuất khẩu cần được nghiêm ngặt hơn nữa, đặc biệt về hóa chất, kháng sinh, môi trường, lao động… Bên cạnh đó là quan tâm đến chất lượng, dịch vụ hậu mãi, uy tín trong thương mại để tạo niềm tin cho khách hàng và người tiêu dùng. |