Xuất khẩu gạo 2012: được mùa, không được giá

Xuất khẩu gạo 2012: được mùa, không được giá
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến hết tháng Chín, xuất khẩu gạo của cả nước đã đạt 5,845 triệu tấn, chiếm 81,18% kế hoạch năm (7,2 triệu tấn), tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị giảm 7,9% so cùng kỳ năm ngoái do giá gạo giảm mạnh.

 
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN 

Giá gạo xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm nay đạt 443,3 USD/tấn, thấp hơn 35,7 USD so với giá bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 9, giá gạo xuất khẩu chỉ đạt 440 USD/tấn, giảm trên 80 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến, trong ba tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ xuất tiếp khoảng 1,4 triệu tấn gạo.

Căn cứ vào lượng hợp đồng đã ký, VFA cho biết khả năng giao hàng dự kiến trong tháng 10 là 600.000 tấn gạo; tháng 11 là 400.000 tấn gạo và tháng 12 là 400.000 tấn gạo.

Dự kiến lượng gạo hàng hóa còn đến cuối năm là 600.000 tấn, tuy nhiên VFA cho rằng cần rà soát lại vì số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) có thay đổi nhiều.

Theo báo cáo của VFA, xuất khẩu gạo tháng Chín vào khoảng 750.000 tấn, thấp hơn 50.000 tấn so với kế hoạch do mưa nhiều, thời tiết xấu ảnh hưởng tiến độ giao hàng; đồng thời do nhu cầu nhập khẩu yếu, lượng đăng ký hợp đồng tháng Chín cũng giảm trong khi giá gạo trong nước tăng. Tuy nhiên, lũy kế lượng đăng ký hợp đồng đến hết tháng Chín vẫn ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 7,5 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay nhưng giá trị khó đạt con số 3,5 tỉ USD của năm ngoái.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, cho biết giá gạo xuất khẩu giảm trong những tháng đầu năm nay do các nước xuất gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, v.v. đều được mùa. Campuchia và Myanmar bắt đầu xuất khẩu gạo. Ấn Độ cũng xuất khẩu gạo trở lại vào cuối năm 2011.

Theo ông Phong, áp lực giảm giá gạo vẫn còn vì nguồn cung gạo thời gian tới vẫn dồi dào.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang có lượng hàng tồn khá lớ, chấp nhận bán giá thấp.

Ông Lê Minh Trượng, giám đốc công ty lương thực Sông Hậu, cho biết đã đề nghị VFA chưa áp dụng giá sàn để các doanh nghiệp tự do bán hàng giải phóng hàng tồn kho.

Cũng có một số ý kiến cho rằng nên sớm áp dụng giá sàn xuất khẩu để tránh tình trạng đua nhau giảm giá bán.

Ông Lê Việt Hải, giám đốc công ty CO Mekong, Cần Thơ, cho rằng nên ấn định giá sàn xuất khẩu để khống chế giá không xuống dưới 430-450 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.

THEO TUỔI TRẺ, TTXVN