Xuất khẩu gạo tiến chắc
- Thứ hai - 22/10/2018 10:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá xuất khẩu liên tục tăng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua, xuất khẩu gạo (XK gạo) đã đạt kết quả khá tích cực cả về lượng, giá cũng như cơ cấu, chủng loại XK. Cụ thể, XK gạo năm 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Giá FOB bình quân XK ở mức 452,6 USD/tấn, tăng 0,8% so với giá XK năm 2016. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Tính đến hết ngày 15/9, XK gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%. Giá FOB XK bình quân đạt khoảng 503,3 USD/tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, cơ cấu, chủng loại gạo XK đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm nay, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo XK. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo XK của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương: Hiện nay, XK gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở châu Á với tỷ trọng chiếm tới 60%. Ngoài ra, tỷ trọng XK gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Đến năm 2030, Việt Nam muốn thay đổi tỷ trọng XK sang các thị trường như sau: Châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hàng năm, lượng gạo Việt Nam XK chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…
Xung quanh câu chuyện của ngành gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin thêm: Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của Việt Nam liên tục tăng. Ngoài nguyên nhân nhu cầu gạo thế giới tăng còn một lý do quan trọng, đó là việc cơ cấu lại sản xuất lúa và XK gạo theo hướng giảm gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản trong những năm qua. Ngoài ra, nói tới sản xuất, XK gạo, điểm tích cực theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, là: “Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo tăng cao, đặc biệt tại vùng ĐBSCL thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tăng từ 50% (năm 2010), đến nay đã đạt 100% diện tích lúa gieo cấy; tỷ lệ sấy tăng từ 40% năm 2010, đến nay đạt 90%. Các nhà máy chế biến đã được phát triển và có đủ năng lực phục vụ mục tiêu XK, đáp ứng được các thị trường yêu cầu cao về nhất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật”.
Vẫn nhiều thách thức
Dù có chuyển biến tích cực, song theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sản xuất, XK gạo Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Bên cạnh đó, canh tranh toàn cầu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo ngày càng gia tăng, đặc biệt cạnh tranh về chất lượng và giá trị; cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa gạo còn hạn chế, nhất là vấn đề logistic… cũng là những yếu tố “cản chân” XK gạo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá: Năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, XK gạo còn hạn chế. Ngoài ra, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác hoặc sản phẩm gạo đã được chế biến. Đây là một số điểm ngành lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện trong thời gian tới.
Trên thực tế, ngoài các vấn đề nêu trên, thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới XK gạo của Việt Nam. Điển hình là câu chuyện thị trường XK gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ NK chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộc DN XK gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy vậy, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): “Nhìn nhận từ góc độ khác, thực tế này cũng tạo động lực giúp DN Việt Nam phải cọ sát, nâng cao sức cạnh tranh so với DN tại các quốc gia “đối thủ” như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar… Như vậy, DN mới có hoạt động XK mang tầm quốc tế, không chỉ dựa vào số lượng hoặc gạo cấp thấp mà cạnh tranh bằng chất lượng, tính chuyên nghiệp”.
Tập trung sản xuất theo chuỗi
Xung quanh câu chuyện sản xuất, XK gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu rõ: Định hướng phát triển, sản xuất, XK gạo thời gian tới là tập trung sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng; xây dựng uy tín, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển giống lúa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nội tiêu và XK; xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hoá trọng điểm nhằm đảm bảo an ninh lương thực và XK, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ trong vùng sản xuất. Cụ thể, ở ĐBSCL sẽ phát triển hệ thống đường thủy, đường bộ, tăng kết nối tới các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ để có thể XK gạo từ miền Tây…; đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại về kỹ thuật và quản lý để giảm thời gian tàu tại cảng, giảm chi phí bốc dỡ… “Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản, sơ chế và sản xuất chuyên sâu sau gạo; nâng thương hiệu gạo Việt Nam ở tầm quốc tế nhằm nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Một số chuyên gia cho rằng: Muốn gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến, trước hết cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Các vùng này sản xuất theo quy trình sạnh, đồng bộ. Đặc biệt, khâu xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới phải được nhấn mạnh, coi trọng hơn nữa.
Đứng từ góc độ DN XK gạo, trên cơ sở kinh nghiệm đã có, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Muốn gạo Việt có thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, DN và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất theo loại hình cánh đồng mẫu lớn. “Nhờ sự liên kết này, chất lượng gạo sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tạo ra sự tin tưởng. Thời gian tới, DN rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước để có thể phối hợp chặt chẽ với người nông dân cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vùng sản xuất rộng lớn”, ông Thòn nhấn mạnh.
Theo Chiến lược Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 7/2017, mục tiêu đặt ra là: Phấn đấu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa XK nhưng giữ ổn định và tăng trị giá XK gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng XK; tăng tỷ lệ gạo XK trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường XK và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.
Cụ thể, phấn đấu vào năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo XK; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).
Chiến lược nêu rõ: Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu NK gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường NK gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường NK gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.
Bộ Công Thương quy định chi tiết về kinh doanh xuất khẩu gạo |
Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu gạo |
Tạo điều kiện tối đa cho xuất khẩu gạo |
Theo Báo Hải quan