Xuất khẩu rau củ quả: Nỗ lực giữ vững thị phần

Xuất khẩu rau củ quả: Nỗ lực giữ vững thị phần
Dự báo đến năm 2020, giá trị xuất khẩu rau củ quả có thể đạt đến 10 tỷ USD, con số này hơn cả giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất. Tuy nhiên, làm sao để rau quả Việt Nam giữ vững thị phần ở các thị trường nước ngoài không hề đơn giản.
Thanh long - mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam.
 
Tăng trưởng ấn tượng
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 10-2017 ước đạt 209 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu lĩnh vực rau củ quả 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam với thị phần lần lượt là 76%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (66,1%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (58%), và Trung Quốc (53,1%).
 
Với mức tăng trưởng ấn tượng này của ngành rau củ quả, giới chuyên gia trong ngành dự đoán, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt đến con số 10 tỷ USD. Đây được coi là sự bứt phá ngoạn mục của ngành rau củ quả nước nhà. Đáng chú ý, ngoài những thị trường truyền thống mà rau quả Việt đã bước chân vào từ nhiều năm nay, trong hai năm trở lại đây, nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã chạm chân được đến thêm nhiều thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Chile…
 
Cụ thể, Australia hiện đã cho phép nhập khẩu vải thiều, nhãn và sắp tới là thanh long của Việt Nam; New Zealand đã mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long, và quả chôm chôm cũng sắp bước chân được vào thị trường này. Tại thị trường Chile và Ấn Độ, thanh long cũng đã thâm nhập… Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 40 nước có mặt các loại rau, củ quả, trái cây Việt Nam. Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường được coi là khó tính, khắt khe nhưng đến nay, đã có 5 loại quả Việt thâm nhập vào thị trường này.
 
Theo đó, cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Thực tế này đang tạo thêm động lực cho các nhà xuất khẩu đẩy mạnh sang các thị trường lớn và khó tính. Nhất là khi để vào được các thị trường khó tính, ta đã phải mất nhiều năm đàm phán, đơn cử như trái thanh long vào Australia cũng mất 9 năm; vú sữa vào Hoa Kỳ mất 10 năm...
 
Quan trọng là chất lượng
 
Đánh giá về những bước tiến ngoạn mục trong lĩnh vực xuất khẩu của sản phẩm rau quả, trái cây thời gian qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, là do sự nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại, tìm cách mở rộng thị trường của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng DN xuất khẩu. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU... Nhờ đó, sản phẩm rau củ quả Việt từng bước ghi được dấu ấn, tạo được uy tín trên thị trường thế giới.
 
“Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng cao vày đây chính là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu của rau củ quả trái cây Việt Nam”- Vinafruit nhận định.
 
Tuy nhiên, tìm được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Bởi vậy, giới chuyên gia đưa ra khuyến cáo, để rau quả Việt có thể giữ vững được thị phần tại những thị trường đã chạm được chân tới, một trong những yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi, tất cả những thị trường hiện nay đều rất khắt khe, có những yêu cầu cao về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.
 
Đơn cử như thị trường châu Âu (EU), mặc dù thị trường này không quá khắt khe như những thị trường khó tính (Mỹ, Úc, Nhật Bản), song theo ông Rugguero Malossi, chuyên gia quốc tế, Dự án EU -MUTRAP cho rằng, trên thực tế, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng được các nhà nhập khẩu EU để ý rất kỹ. “Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra, hàng hóa khó có thể bước chân vào thị trường EU” - ông Rugguero Malossi khẳng định và nêu dẫn chứng, khi một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào có dư lượng thuốc đó được cho phép vào EU.
 
Về vấn đề nâng cao chất lượng cho các sản phẩm rau củ quả xuất khẩu, ông Nguyễn Hữu Đạt- tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà xuất khẩu với người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà thị trường các nước đặt ra. Đồng thời nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì đây là xu hướng tiêu dùng chung của thị trương quốc tế trong đó có EU và nhiều thị trường khó tính khác. Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, trong thời gian tới, các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn. Thực tế đó đòi hỏi các DN cần thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm phù hợp và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh.
 
Minh Phương/daidoanket.vn