Xuất khẩu rau quả: Triển vọng đi cùng thử thách

Xuất khẩu rau quả: Triển vọng đi cùng thử thách
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu (XK) của ngành hàng rau quả tính đến 15/9/2016 đạt 1,68 tỉ USD (riêng nửa đầu tháng 9/2016 là trên 100 triệu USD), tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong tất cả các mặt hàng nông sản XK. Mừng là điều đương nhiên, nhưng lo cũng là cảm xúc rất rõ ràng khi rau quả của chúng ta chủ yếu xuất sang Trung Quốc, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là rào cản lớn, liên kết sản xuất còn lỏng lẻo…

Chế biến dứa XK tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Bài 1: Tăng trưởng ấn tượng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, thời gian vừa qua, ngành rau quả gặt hái được những kết quả XK ấn tượng, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch XK lúa gạo. “Trong mấy chục năm qua, chúng ta quan tâm rất nhiều đến lúa gạo mà chưa chú trọng đến rau quả, trong khi dư địa phát triển của lĩnh vực rau quả còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn”, ông Doanh khẳng định.

Tín hiệu được báo trước

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán 2016, mặt hàng dứa cô đặc tiếp tục có nhiều tín hiệu sáng khi tình hình XK rất suôn sẻ. Ngay từ những ngày đầu năm mới, hơn 10 container dứa cô đặc đã được XK sang các bạn hàng truyền thống như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản chế biến truyền thống của công ty này như ngô ngọt chế biến, dưa chuột bao tử, vải thiều… liên tục giữ tốc độ XK ổn định sang Đông Âu, EU. Trong đó, sản phẩm nước chanh leo XK liên tục tăng về lượng và giá.

Không những đạt giá trị XK cao, tăng trưởng XK của rau quả còn bỏ xa mức tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực khác (9 tháng đầu năm 2016,  XK gạo  ước đạt 3,76 triệu tấn với trị giá 1,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,4% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch XK cà phê đạt 1,39 triệu tấn với kim ngạch 2,48 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,9% về khối lượng và 22,1% về giá trị; XK cao su đạt 854.000 tấn với kim ngạch 1,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,6% về khối lượng và 1% về giá trị; XK thủy sản đạt 4,93 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,3% …). Thậm chí nhiều nông sản chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm như sắn giảm 28,6%, gạo giảm 14,1%, cao su giảm 3,7%… thì XK rau quả vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Điều đó cho thấy sự ấn tượng về tăng trưởng giá trị XK rau quả trong bối cảnh XK nông sản nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến ngành nông nghiệp lần đầu tiên chịu tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016.

Theo GS.TS.Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, có nhiều nguyên nhân tác động tới sự tăng trưởng rất tốt của XK rau quả. Trước hết là việc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực mở thêm nhiều thị trường cho nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam, như chôm chôm, vú sữa… vào Mỹ; vải và xoài vào Australia; xoài vào Nhật…

Đây là điều mà cách đây mấy năm ngành rau quả còn chưa dám nghĩ tới. Đội ngũ doanh nghiệp (DN) tham gia vào chế biến, XK rau quả đã tăng lên nhiều so với mấy năm trước cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh XK rau quả. Nhưng quan trọng hơn là các DN có trang bị hệ thống xử lý hơi nóng, hệ thống xử lý phóng xạ, đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật của những thị trường khó tính. Nhiều DN đã liên kết với các cơ quan khoa học để kéo dài hơn thời gian bảo quản rau quả, để có thể XK tới những thị trường xa.

Nhiều nông dân sản xuất rau quả như trồng nhãn ở Đồng Tháp, trồng chanh dây ở Đắk Nông, trồng chuối già XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tham gia sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng vào XK rau quả. Nông dân cũng đã phòng trị tốt các sâu, bệnh chính trên nhiều loại rau quả. Các cơ quan nghiên cứu khoa học đã gắn bó với nông dân trong việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau quả an toàn.

Nhờ đó, khi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) mời chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến giám sát, thì nhà vườn Việt Nam đã chứng minh rằng họ sản xuất được theo các tiêu chuẩn an toàn, được chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, qua đó tăng thêm tính thuyết phục, sự tin tưởng để Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhiều loại trái cây Việt Nam được XK vào thị trường này.

Mặt khác, Việt Nam ở ngay sát thị trường có mức tiêu thụ rau quả lớn và tăng trưởng mạnh về nhu cầu qua từng năm là Trung Quốc, cũng là yếu tố quan trọng để rau quả Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh về giá trị XK.

Bước tiến chuyên canh hàng hóa

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và PTNT, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có trên 288.000ha cây ăn quả các loại, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn quả để phục vụ tiêu dùng và XK. Các loại trái cây chủ lực bao gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam và quýt, tập trung  tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của ĐBSCL được phát huy, theo đó, người dân đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng trái cây tăng lên đáng kể, hình thành được một số vùng chuyên canh trái cây đặc sản, gồm: Xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và TP.Cần Thơ; xoài cát Chu ở Đồng Tháp; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre; quýt hồng Lai Vung ở Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang và Long An; vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang, dứa Queen ở Tiền Giang, Kiên Giang và Hậu Giang...

Hơn 10 năm trở lại đây, XK rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2005, rau quả Việt Nam mới được XK tới 36 nước và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD, thì đến năm 2015, số thị trường XK đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch XK cũng không chịu thua kém các mặt hàng nông sản chủ lực khác khi chạm mức trên 1,8 tỉ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782,13% so với năm 2005. Trong số đó, trái cây XK chiếm trên 70%. 2015 cũng là năm đánh dấu kim ngạch XK rau quả cao nhất từ trước đến nay. Vẫn trên đà đi lên, tính hết tháng 8/2016, XK rau quả đạt 1,56 tỷ USD và chỉ trong nửa đầu tháng 9 đã tăng lên 1,68 tỷ USD (tăng trên 100 triệu USD chỉ trong nửa tháng). 

Ngoài các thị trường XK truyền thống, dù khó khăn song Việt Nam đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand... Tại ĐBSCL, sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu XK. Nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) ở Tiền Giang, xoài ở Đồng Tháp...

Với những cơ sở như trên, XK rau quả Việt Nam không chỉ thuận lợi trong những tháng đầu năm mà sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng còn lại của năm.

Còn tăng trưởng mạnh

Trong những năm tới, XK rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trước hết là nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới.

Trong báo cáo tháng 5/2016 về thị trường rau quả toàn cầu, Zion Research (một công ty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới) cho biết: Thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt khoảng 203,3 tỷ USD. Thị trường này đang có mức tăng trưởng 7,9%/năm và sẽ đạt 319,9 tỷ USD vào năm 2020. Như vậy, có thể thấy giá trị XK rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn, do đó, tiềm năng mở rộng và tăng trưởng còn rất lớn. Một yếu tố rất quan trọng là nhiều loại trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục mở được cửa vào các thị trường lớn. Như ở thị trường Mỹ, đầu tháng 8 này, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đăng công báo Liên bang đề xuất ý kiến công chúng, đóng góp và bổ sung, sửa đổi các quy định để cho phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam.

Đây là một động thái, bước đệm quan trọng để sản phẩm xoài tươi Việt Nam được thâm nhập vào Mỹ trong thời gian ngắn sắp tới. Do sản lượng xoài tươi nội địa rất thấp, chỉ vài ngàn tấn, nên mỗi năm Mỹ có nhu cầu nhập khẩu tới 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các nước Mexico, Peru, Ecuador, Brazil, Guatemala…

Thị trường Nhật Bản mở cửa cho sản phẩm chuối của Việt Nam, Australia chào đón quả xoài Việt,... tiếp tục là những tin vui cho ngành XK rau quả.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả rất tốt, bình quân chung tăng trưởng 37%/tháng. Năm 2016, có khả năng giá trị xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt qua mặt hàng gạo, đạt khoảng 2,5-2,6 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu rau quả tăng trưởng không những trở thành động lực thu hút thêm doanh nghiệp tham gia đầu tư mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Loan Nguyễn/kinhtenongthon.com.vn