Xuất khẩu rau quả hướng tới mốc 2 tỷ USD
- Chủ nhật - 05/04/2015 20:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông có thể cho biết tình hình XK rau quả nước ta trong thời gian gần đây?
Kim ngạch XK rau quả trong những năm gần đây tăng trưởng ở mức cao. Năm 2014, XK rau quả nước ta lập kỳ tích lớn, khi thu về 1,47 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013.
Kim ngạch XK rau quả trong 2 tháng đầu năm 2015 tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 204,82 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng rau quả Việt Nam, kim ngạch đạt 83,1 triệu USD, chiếm 40,6% tổng kim ngạch XK của nhóm hàng này, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xếp thứ hai là thị trường Hàn Quốc, đạt kim ngạch 9,74 triệu USD, tăng 110,1% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường Nhật Bản đứng thứ 3 về kim ngạch XK rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2015, đạt 9,48 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 8,29 triệu USD, Thái Lan 6,99 triệu USD, Malaysia 5,6 triệu USD.
Thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài tiếp tục là những mặt hàng chủ lực XK của ngành rau quả. Trong 2 tháng đầu năm, đã có trên 945 tấn thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài đã được XK sang 4 thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand (bằng 25,8% so với năm 2014). Trong đó, thanh long chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 80% khối lượng. Nước nhập khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc. Với xoài, sau thời gian thăm dò thị trường Hàn Quốc cho thấy những tín hiệu khả quan. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 46,8 tấn xoài vào Hàn Quốc, xấp xỉ bằng khối lượng của cả năm 2014.
Ông nhận định thế nào về triển vọng thị trường của ngành rau quả trong năm 2015?
XK các mặt hàng rau quả trong năm 2015 dự kiến tăng trưởng mạnh, nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam sẽ tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU hay Nhật Bản,… Rau quả nước ta càng có nhiều triển vọng, khi New Zealand đã cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam và đang xem xét mở cửa cho xoài. Hàn Quốc tiếp tục đồng ý nhập khẩu vú sữa, Australia nhập khẩu xoài, thanh long. Năm nay, nhiều loại nông sản như chuối xiêm, ớt, mít sẽ xuất sang thị trường Hàn Quốc sau khi đã xử lý bằng công nghệ chiếu xạ. Tiêu chuẩn xuất sang thị trường này là hàng hóa phải được xử lý loại trừ vi khuẩn E.coli, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cuối cùng là chiếu xạ. Các mặt hàng khi đảm bảo đủ điều kiện sẽ được mua với giá cao hơn thị trường khoảng 20%.
Bưởi da xanh Việt Nam cũng được nhiều bạn hàng để mắt tới, các doanh nghiệp tại Séc, Hà Lan, Australia, Canada cũng đặt hàng với số lượng lớn.
Năm 2015, cơ hội XK rau quả của nước ta càng lớn khi cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý cho phép vải và nhãn tươi Việt Nam được xuất sang thị trường này. Trong tháng 3/2015, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 10 mã số đầu tiên cho các vùng trồng vải đủ điều kiện đi Mỹ tại khu vực phía Bắc. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang có sáu mã số trồng vải (diện tích 60ha), tỉnh Hải Dương có hai mã số trồng vải (20ha) và Hưng Yên có hai mã số trồng nhãn (20ha). Hiện, phía Bắc chưa có nhà máy đóng gói trái cây được phía Mỹ cấp chứng nhận cũng như không có nhà máy chiếu xạ. Do đó sau khi thu hoạch, quả vải được vận chuyển vào Nam để đóng gói và chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp ở phía Nam đang làm việc với các đối tác tại Bắc Giang để chuẩn bị xuất khẩu trái vải tươi sang thị trường Mỹ trong vụ vải năm nay, họ đã lựa chọn những vườn vải đủ tiêu chuẩn XK, đồng thời hợp tác với các cơ quan nghiên cứu tìm biện pháp bảo quản và vận chuyển trái vải tốt nhất. Vải hoàn toàn có tiềm năng trở thành mặt hàng XK giá trị cao nếu làm tốt công tác thị trường, nâng cao chất lượng sau thu hoạch, đóng gói bảo quản, xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Theo ông dự đoán, năm nay XK rau quả sẽ đạt được mốc kim ngạch nào?
Hiện, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó 50% là sản phẩm đóng hộp dành để XK. Do điều kiện khí hậu, đất đai rất đa dạng nên rau quả của Việt Nam cũng có nhiều chủng loại khác nhau, được thu hoạch quanh năm, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. XK rau quả năm 2015 và những năm tới sẽ còn tiến xa hơn, bởi ngoài sự tín nhiệm của các thị trường lớn, năng lực cung ứng hàng hóa đang tiếp tục được nâng lên. XK sản phẩm rau quả đang có nhiều thuận lợi và nếu không nhanh chóng đầu tư nâng công suất thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự bỏ qua cơ hội. Lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn, đảm bảo nguồn cung đa dạng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với đà xuất khẩu như hiện tại, Vinafruit nhận định, thời điểm chạm mốc XK 2 tỷ USD/năm đối với rau quả Việt Nam không còn quá xa.
An toàn thực phẩm có phải vấn đề lớn với rau quả XK của Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay, các nước đưa hàng rào kỹ thuật kiểm soát gay gắt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tăng trưởng trên rau quả. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang chuyên xuất khẩu rau quả như ngô non, đỗ tương,… có những trường hợp đã kiểm soát ở Việt Nam rồi nhưng khi sang nước nhập khẩu thì sản phẩm tiếp tục phải kiểm tra lại, nếu không đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sẽ bị trả về ngay. Giá xoài Thái Lan XK sang Nhật Bản có giá 60 - 80 USD/kg bởi người mua yên tâm về chất lượng. Còn xoài của Việt Nam họ vẫn còn ngại, chưa xuất được nhiều. Đây là vấn đề đặt ra để các DN Việt Nam phải rất cố gắng, đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Hiệp hội đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác quản lý. Đặc biệt, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải quy hoạch vùng nguyên liệu chuẩn hơn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Phải làm sao quản lý được thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất sử dụng. Nếu được như vậy, XK rau quả Việt Nam sẽ tốt hơn và người dân sẽ có ý thức hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng bước, có lẽ Cục Bảo vệ thực vật, Vinafruit và Bộ Y tế cần kết hợp để đưa ra vùng nào sẽ là vùng trồng rau sạch. Cây rau phải có ký hiệu như thế nào là sạch để có thể kiểm soát được. Hàng hóa muốn bán giá tốt phải đảm bảo an toàn, phải dán ký hiệu.
Xin chân thành cảm ơn ông!