Xuất khẩu rau quả vươn tới 1 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đã đi qua 2 giai đoạn với 2 chỉ số tăng trưởng đầy ấn tượng. Từ 2004 đến 2010, chỉ số tăng trưởng xuất khẩu rau quả đạt mức bình quân gần 20%/năm. Giai đoạn tiếp theo, từ 2010 đến nay, tạo bước nhảy mới với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm lên đến hơn 30%. Đây là mức tăng trưởng vào loại cao nhất trong các nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 460 triệu USD. Sau đó 1 năm, tăng tốc lên đến 623 triệu USD. Đến 2012, lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, Việt  Nam tạo ra kỷ lục xuất khẩu rau quả đạt tới 829 triệu USD. Ghi nhận thành tích nổi bật nhưng không dừng lại ở đó, trong năm 2013 ngành hàng xuất khẩu rau quả đang nỗ lực vươn tới chỉ tiêu đạt trên 1 tỷ USD. Theo đánh giá của ngành chuyên trách cũng như các địa phương thuộc vùng chuyên thâm canh loại sản phẩm này, hoàn toàn có khả năng đạt trên 1 tỷ USD xuất khẩu rau quả trong năm 2013. Mặc dù chưa đến thời vụ chính nhưng tổng giá trị xuất khẩu rau quả của quý I/2013 đạt hơn 200 triệu USD. So cùng kỳ năm ngoái, tăng đồng thời cả về giá trị cũng như số lượng hàng hóa được tiêu thụ ở những thị trường chủ lực. Chẳng hạn tại thị trường Nhật Bản, rau quả Việt Nam xuất khẩu 2012 chỉ được 14 triệu USD, trong khi đó chỉ riêng quý I/2013 giá trị xuất khẩu rau quả cho thị trường này đạt xấp xỉ 8 triệu USD, chiếm hơn 50% so với cả năm 2012. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan là những quốc gia thuộc nhóm đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam.
 
Chú trọng nâng cao đồng thời cả lượng và chất, nhờ vậy nhiều loại rau quả có xuất xứ từ Việt Nam đã được chấp nhận tại các thị trường lớn và khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Canada, Anh... Nhiều loại trái cây như xoài, bưởi, chôm chôm, thanh long, vú sữa, nhãn trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới. Tạo ra nguồn hàng chất lượng tốt là việc rất khó, đưa sản phẩm đến thị trường mới và "giữ chân” người tiêu dùng ở những khu vực tiềm năng là việc không hề đơn giản, có trường hợp được coi như là kỳ công. Thanh long là loại cây có nhiều ưu điểm nổi trội của Việt Nam thế nhưng, sau 2 năm kiên trì "vật lộn” với thị trường có nhiều rào cản, loại sản phẩm này mới đến được với người tiêu dùng Chi Lê. Bù lại, sau khi đã vào được thị trường này, trái thanh long Việt Nam thông qua "cầu nối” Chi Lê để đến với số đông người tiêu dùng thuộc khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ. Khơi thông thị trường Chi Lê với quả thanh long trở thành bài học quý giá cho nhiều loại rau quả cần được xuất khẩu tới nhiều khu vực trên thế giới.
 
Rau quả là "nguyên liệu đầu vào” không thể thiếu với hàng tỷ người trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ các loại rau quả đang không ngừng gia tăng. Thị phần rau quả tại nhiều nước còn rất lớn, rau quả Việt Nam chiếm tỷ trọng ở mức nào là hoàn toàn phụ thuộc yếu tố chủ quan. Xuất khẩu rau quả luôn đạt mức tăng trưởng cao, tuy nhiên thị phần ở nhiều nước còn rất thấp. Mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu các loại rau quả với tổng giá trị lên đến hơn 50 tỷ USD. Thế nhưng, trong năm 2012, rau quả Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản chỉ được vỏn vẹn 14 triệu USD. Quý I/2013 mặc dù tạo ra bước nhảy vọt nhưng xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản vẫn nằm dưới mức 8 triệu USD. Mỹ được coi như là "đại siêu thị” của thế giới, nhập khẩu rau quả mỗi năm luôn ở mức hàng chục tỷ USD. Tại thị trường Mỹ (nhu cầu nhập khẩu ở mức khổng lồ) nhưng đầu năm 2013 đến nay,  rau quả Việt Nam xuất khẩu cho thị trường Mỹ chưa được 3 triệu USD/tháng. Nga là thị trường truyền thống nhập khẩu rau quả Việt Nam nhưng, quý  I/2013, tổng giá trị nhập khẩu nhóm sản phẩm này từ Việt Nam chỉ có hơn 5 triệu USD.
 
Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, đồng thời qua đó tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động. Nhiều địa phương vừa tạo thêm việc làm vừa nâng cao thu nhập cho người dân nhờ mở rộng diện tích thâm canh rau quả. Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng là những vùng chuyên thâm canh, tạo ra sản lượng rau quả lớn nhất cả nước. 
 
Năm 2013 xuất khẩu rau quả Việt Nam phấn đấu đạt hơn 1 tỷ USD, chỉ tiêu này hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực. Vươn tới đỉnh cao nhất từ trước đến nay, tuy vậy tiềm năng trong nước cũng như thị phần quốc tế vẫn còn rộng mở để xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao hơn.
 
Bá Tân (ddk.vn)