Xuất khẩu thủy sản: Khai thác tiềm năng, vững tin hội nhập

Hằng năm, mặt hàng thủy sản đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản quốc gia. Nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập rất cần sự trợ lực từ chính sách và doanh nghiệp (DN) cùng người nuôi phải biết tận dụng ưu thế, nhạy bén mới hội nhập bền vững.

Tiềm năng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Trung Quốc, Na Uy, Thái Lan). Sản phẩm thủy sản Việt Nam có mặt tại 165 thị trường, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,71 tỉ USD năm 2013 và dự kiến hơn 7,7 tỉ USD trong năm 2014. Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Mức tiêu thụ trung bình của các sản phẩm protein động vật/người/năm, trong đó có các sản phẩm thủy sản là mục tiêu lớn và quan trọng của mỗi quốc gia trong chương trình cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân. Nếu sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thì phải nhập khẩu các sản phẩm thủy sản. Mặt khác, sản lượng khai thác thủy sản luôn phải có giới hạn nhằm bảo tồn nguồn lợi, cho nên việc gia tăng nuôi thủy sản là con đường tất yếu. Đó là thời cơ cho các nước có nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy sản dồi dào như Việt Nam.

Khảo sát của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) cho thấy, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người trên thế giới liên tục tăng. Năm 2006 mức tiêu thụ 16,8kg/người/năm và dự kiến chạm ngưỡng 20kg/người/năm vào năm 2030. Nhiều chuyên gia nhận định, sau Hoa Kỳ, EU vẫn là thị trường đầy hứa hẹn đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Mỗi năm các nước EU chỉ có thể sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn thủy sản và cần nhập khẩu 4,2-4,5 triệu tấn. Các nước trong vùng Địa Trung Hải và bán đảo Scandinavian (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Phần Lan…) là những nước có mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người cao (28-58 kg/người/năm). Trong khi nhu cầu tại các nước như: Rumani, Hungari, Bungari… cũng đang tăng do tăng trưởng thương mại thủy sản cũng như thu nhập bình quân đầu người tại các nước này không ngừng được cải thiện.

 

Thu hoạch tôm tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn đang có xu hướng dễ dàng chấp nhận các loài thủy sản mới. Người dân ở khu vực EU vốn thích các sản phẩm từ biển. Tuy nhiên, gần một thập kỷ qua, thói quen này dần thay đổi khi các sản phẩm nuôi trồng bắt đầu gây được sự chú ý. Một số nước như Hà Lan, Anh, Pháp… đã và đang quan tâm đến các sản phẩm nuôi trồng nhập khẩu có giá cạnh tranh như: cá tra, cá rô phi… Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, ngành thủy sản Việt Nam hội nhập sớm với những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao (tôm sú, cá tra). Bên cạnh nguồn cung ổn định, nước ta còn là một trong số ít quốc gia có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, phù hợp. Quá tình hội nhập, Việt Nam có những quyết sách kịp thời (chất lượng an toàn thực phẩm, tín dụng, thuế, xúc tiến thương mại…) và chứng minh được hình ảnh tích cực của các sản phẩm thủy sản cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Cần cú hích

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây vừa là cơ hội vừa đặt ngành hàng chủ lực này trước một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Cùng với đó, các rào cản thương mại dựng lên cũng dày đặc, nhất là rào cản về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ sức khỏe người lao động, môi trường, động vật hoang dã, hệ sinh thái… Theo bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, việc tồn lưu dư lượng chất độc hại thời gian qua ảnh hưởng đến không nhỏ đến hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc tiến tới một ngành thủy sản phát triển bền vững là một yêu cầu cấp thiết. Riêng con cá tra, một số ý kiến đề xuất, giá xuất khẩu cần được xác lập qua cơ chế đấu giá công khai của người mua và đảm bảo trên mức giá sàn của người nuôi.

Đồng quan điểm trên, khi nhận định về tương lai ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho rằng những thành quả của ngành thủy sản vẫn chỉ "tạm thời có được". Bởi mọi "vị trí" trong kinh tế thị trường và cạnh tranh quốc tế đều chỉ là trạng thái "cân bằng động". Để giữ vững và phát huy vị thế, ngành thủy sản cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: chất lượng và cam kết; xúc tiến thương mại và xây dựng hình ảnh; nâng cao năng lực; cải thiện chính sách và bảo vệ thị trường. Vấn đề truyền thông bôi nhọ ở nước ngoài, ông Nam đặc biệt lưu ý: "Nếu Việt Nam chỉ đáp trả lại bằng truyền thông thì chưa đủ. Cái cần nhất là phía sau đó phải có cả tập hợp, giải pháp tổng thể về đẩy mạnh các chương trình tập trung nâng cao chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu,…". Ngoài ra, Nhà nước cần trợ lực để DN đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm thủy sản sản xuất các chế phẩm có giá trị gia tăng như: da, đầu, xương cá tra thành các sản phẩm collagen, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân, dầu diesel sinh học...

Tại Hội thảo "Xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủy sản tại các thị trường xuất khẩu lớn; Ngành thủy sản trong tương lai và trách nhiệm xã hội DN", vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến thống nhất: Truy nguyên nguồn gốc, các sản phẩm bền vững, có chứng nhận đang là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thủy sản trên thế giới. Ông Lâm Văn Xự, Trưởng phòng Kiểm nghiệm Công ty Giám định, Thẩm tra và Thử nghiệm SGS Việt Nam, cho biết: Phần lớn các vi phạm của thủy hải sản Việt Nam thường liên quan tới vấn đề kháng sinh. Vì vậy, các DN cần chú ý đến các tiêu chuẩn quy định tại thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó DN cũng cần làm rõ về trách nhiệm đối với xã hội như thế nào? Cách thức đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động ra sao?… Đây là những vấn đề mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Nâng cao hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt nam trên thị trường quốc tế cần dựa vào những cam kết về chất lượng, sự minh bạch trên cơ sở sản xuất theo quy định về ghi nhãn – gắn trách nhiệm của DN với chất lượng sản phẩm; thực hiện chiến lược marketing phù hợp... Chính phủ và các bộ ngành hữu quan cần có giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm khách hàng mới thông qua Hội chợ triển lãm quốc tế, tăng cường liên minh kinh tế Á – Âu.
 

nguồn: báo cần thơ