Chiều 13/3, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 đạt trên 736.000 ha, tăng 3% so với năm 2017. Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt trên 762.000 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, mặc dù sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan hơn 2017, tuy nhiên, năm 2018, ngành tôm Việt Nam chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh của ngành, đồng thời chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… dẫn đến xuất khẩu tôm chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2017.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, với mục tiêu của ngành và tiềm năng lớn sẵn có chưa được phát huy hết, bên cạnh các cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước hiệu lực, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD.
Để đạt được chỉ tiêu trên, cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam, giải quyết các vấn đề về chất lượng theo chứng nhận quốc tế, định vị lại theo hướng tích cực đối với các thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam.
“Đối với thị trường Mỹ, hiện nay chúng ta đang phải tập trung giải quyết 2 vấn đề. Một là vấn đề sức cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường này với các quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ đang trở thành một quốc gia cạnh tranh rất lớn về giá cả, cho nên trên cơ sở phải tìm một điểm khác biệt, từ đó chúng ta tạo được sức cạnh tranh mới. Trong đó chúng tôi chọn chương trình truy xuất nguồn gốc, sẽ trở thành một mục tiêu cần phải phấn đấu trong năm nay, để trên cơ sở có thể có được một sự khác biệt đối với các sản phẩm tôm trên thị trường”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD là mục tiêu cao và là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019, vì so với năm ngoái, tăng tới gần 10%. Để đạt mục tiêu này, ngành tôm cần tập trung vào các giải pháp, đầu tiên và quan trọng nhất là hình thành chuỗi sản xuất khép kín, mà trước hết là tuyên truyền vận động nông dân vào hợp tác xã, thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi từ giống, thức ăn cho tới xử lý môi trường.
Ngoài ra, cần tranh thủ hệ thống với hơn 2.000 cơ sở chế biến, trong đó có hơn 200 nhà máy chế biến hiện đại để đưa ra những dòng sản phẩm chất lượng cao, cung cấp đi thị trường cho giá trị cao nhất. Bên cạnh đó, tích cực mở rộng thị trường và tập trung quản lý nhà nước, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để kiểm soát, thanh tra, kiểm tra hướng tới đảm bảo sản xuất sạch.
“Năm nay phấn đấu chỉ đạt 780.000 tấn, tức là sản lượng chỉ tăng 3%, nhưng giá trị phấn đấu tăng tới 10%. Với chuỗi giá trị này, phải tận dụng công nghệ, tận dụng hệ thống máy móc, tận dụng quản trị bây giờ để đưa sản phẩm đó và tạo ra giá trị cao nhất. Một điểm nữa là về mặt thị trường. Bên cạnh tổ chức khai thác thị trường tốt, thí dụ như truyền thống, EU, Hoa Kỳ, Nhật bản, Trung Quốc, thì phải mở sang những thị trường khác, thậm chí là thị trường Trung Đông, thị trường Châu Phi, với những thị trường đã mở phải mở rộng hơn về quy mô”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.