Xuất khẩu trái cây: Tưởng dễ mà không dễ

Cùng với xuất khẩu gạo thì xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt tăng trưởng khá. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường, nắm giữ được nhiều thị phần hơn không hề đơn giản, trong khi phải tốn từ 5 đến 10 năm đàm phán.

Xuất khẩu trái cây: Tưởng dễ mà không dễ

Thanh long, một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực.

Cân nhắc kỹ bài toán lợi nhuận

Tới nay, nhiều thị trường đã mở rộng cửa đón trái cây Việt Nam, trong đó có các thị trường được coi là rất khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU. Các mặt hàng trái cây xuất khẩu cũng đa dạng, gồm dưa hấu, xoài, vải thiều, măng cụt, thanh long... Giá trị thu lại từ những loại trái cây này khá lớn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), từ khi trái thanh long được Mỹ chính thức mở cửa vào năm 2008, đến nay, các thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về kiểm dịch thực vật (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam.

Tuy nhiên, muốn mở được cánh cửa vào những thị trường khó tính, để có lợi nhuận cao, thật không dễ. 

Tại một cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) với các bộ/ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một chiến lược dài hạn mới có thể xuất khẩu trái cây ổn định, đặc biệt khi vào các thị trường khó tính.

Đại diện đến từ Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng thiếu nghiên cứu khi mở cửa thị trường, như trường hợp trái vải xuất sang Mỹ là một ví dụ- được xem là không thành công.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận thời gian qua, việc đàm phán mở cửa thị trường cho một số trái cây tươi của Việt Nam chưa được nghiên cứu kỹ về nhu cầu tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh mà chủ yếu theo đề xuất của doanh nghiệp.

Điều đó dẫn đến việc kể cả đã mở được cửa thị trường nhưng vẫn không xuất khẩu được (trong trường hợp trái thanh long xuất sang Chile).

Cũng do thiếu nghiên cứu thị trường nên không hình dung được nơi đó mức tiêu thụ ít, vì vậy vẫn xuất hàng sang với khối lượng lớn. Đó là trường hợp  của trái xoài, thanh long khi vào New Zealand.

Về lợi nhuận, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần phải “bình tĩnh” trước việc trái cây của ta xuất khẩu được nhiều, kể cả vào những thị trường khó tính, được cho là lợi nhuận lớn.

Mộ thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2017, cho thấy mức lợi nhuận bình quân của các DN trong lĩnh vực này chỉ khoảng 7%.

Nguyên nhân do DN ký hợp đồng xuất khẩu với giá không đổi trong cả năm, trong khi giá nguyên liệu mua của nông dân thì thay đổi theo mùa. Trong trường hợp giá nguyên liệu thanh long hơn 20.000 đồng/kg, nhãn đỏ hơn 30.000 đồng/kg, DN chỉ có thể hòa. 

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất đối với DN xuất khẩu là khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm- theo yêu cầu của bên nhập.

Bởi lẽ, người trồng trọt đôi khi không nắm được yêu cầu đó, hoặc giả cố tình phớt lờ thì hậu quả DN gánh chịu là lớn.

Chỉ một lô vi phạm an toàn thực phẩm, DN thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công. Và, cũng với chỉ một lần “thất tín” DN đó còn bị tăng tần suất kiểm tra lên 50%-100%, thay vì 5% như bình thường.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình “nhà nhà đua nhau xuất khẩu trái cây” thì rất phải bình tĩnh kiểm soát lợi nhuận khi vào những thị trường khó tính. Vì rằng, chi phí để đưa trái cây xuất vào các thị trường này rất cao, làm đội giá thành.

Ví dụ, chi phí vận chuyển lên đến 4 USD/kg (đường hàng không), chưa kể chi phí chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng.

Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm

Tuy nhiên, chiến lược xuất khẩu trái cây vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Con số của cơ quan chức năng cho biết, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam năm 2017 tăng 42,5% về giá trị so với năm 2016, lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất.

Tới  thời điểm này, Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Con số của năm 2017: Chiếm 75,7% thị phần, ứng với kim ngạch 2,65 tỷ USD, tăng 52,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc cũng là 3 nước có kim ngạch nhập khẩu cao mặt hàng rau quả của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 3,63%; 2,92%, 2,45%.

Dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020.

Với riêng thị trường Trung Quốc- nơi chiếm gần ¼ dân số thế giới, vẫn theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 - 2020.

Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. 

Như vậy, cánh cửa cho rau quả của Việt Nam ra với thế giới vẫn rộng mở. Nhưng liệu có giữ được thị trường sau nhiều năm thương thảo mở cửa, nhiều năm đứng chân hay không, lại là câu chuyện khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc “căn chỉnh” mạnh mẽ việc trồng, chế biến trái cây, theo hướng giảm dần cho tới triệt tiêu việc sử dụng chất hóa học trong bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật trồng trồng trọt.

Càng ngày, các quốc gia đều đề cao việc bảo việc sức khỏe người tiêu dùng. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trong trái cây sẽ không được chấp nhận, cũng như không chấp nhận thuốc giữ cho trái cây tươi lâu.

Muốn vậy, không có cách nào khác là phải xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng đó là tăng cường ý thức của người nông dân. Mà để làm được điều đó thì không dễ dàng, vì nói như giới chuyên gia do nó đã thành “thói quen”, không dễ một sớm một chiều thay đổi.    

    Đỗ Quang/daidoanket.vn