Xuất lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ lợi trước mắt
- Thứ tư - 23/10/2019 02:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm duy trì và giữ giá lợn ổn định như hiện nay, nhiều chuyên gia kiến nghị phải kiểm soát việc bán lợn tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. |
Theo Cục Thú y, trong các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện mới chỉ có mặt hàng trứng vịt muối, heo sữa và mới nhất là sữa tươi đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Việc người dân và thương lái sống tại vùng biên hai nước buôn bán, xuất lợn tiểu ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc những ngày gần đây hay trong quá khứ về bản chất là xuất lậu, hành vi không được pháp luật hai nước bảo hộ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam hiện tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, tiến bộ hàng đầu của thế giới nên cũng cần phải sản xuất, kinh doanh theo hướng văn minh hơn, từng bước hạn chế tiến tới chấm dứt việc buôn bán tiểu ngạch, bán lợn sống nguyên con sang bên kia biên giới như thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc xuất lậu sản phẩm lợn hơi của Việt Nam sang bên kia biên giới sẽ phát sinh rất nhiều nguy cơ, hệ lụy to lớn tới nền kinh tế trong nước, tiềm ẩn cuộc khủng hoảng nóng giá lợn trong tương lai.
Thứ nhất, giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa có ký kết thương mại chính ngạch về lợn. Hơn nữa, phía bạn cũng không yêu cầu chúng ta hỗ trợ, trong khi việc tiêu thụ lợn tại thị trường trong nước vẫn đang rất thuận lợi và giá rất tốt nên các doanh nghiệp không dại gì phải vi phạm pháp luật xuất lậu lợn sang thị trường Trung Quốc.
Thứ hai, dịch bệnh tả heo Châu Phi tại Trung Quốc vẫn tiếp tục lây lan và tái bùng phát phức tạp nên việc xuất lậu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc luôn tiểm ẩn nguy cơ cao lấy chéo dịch bệnh từ Trung Quốc trở lại Việt Nam.
Thứ ba, bài học lịch sử giải cứu thịt lợn năm 2016 - 2017 vẫn còn nhãn tiền với Việt Nam mà nguyên nhân chính do ngành chăn nuôi lợn phụ thuộc và bị động quá lớn vào thị trường tiểu ngạch Trung Quốc, đến khi phía bạn siết lại biên giới lập tức hàng hóa bị ùn ứ không tiêu thụ được, khi đó không phải ai khác chính người chăn nuôi sẽ là đối tượng bị thiệt hại lớn nhất mà không biết kêu ai.
Hiện việc đầu ra tiêu thụ và giá lợn hơi trong nước đang rất thuận lợi. |
Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi, thú y, tính đến ngày 15/10, cả nước đã đã tiêu hủy khoảng 5,6 triệu đầu lợn, sản lượng 320.000 tấn, chiếm 8,3% tổng sản lượng thịt của Việt Nam. Nếu số liệu trên hoàn toàn chính xác và trùng khớp với thực tiễn, có thể khẳng định sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới cung cầu thị trường thịt lợn trong nước bởi năm 2019 lĩnh vực chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tới 12%, gia súc tăng 5% và thủy sản tăng gần 7% nên hoàn toàn bù đắp được lượng sụt giảm của thịt lợn do dịch tả heo Châu Phi.
Tuy nhiên, giá lợn hơi trong nước chỉ giữ được sự ổn định ở trục 60.000 - 65.000 đồng/kg như hiện nay nếu cung cầu nội địa không bị xáo trộn hay mất cân đối cục bộ. Một trong những giải pháp quan trọng, dễ thực hiện nhất để giữ ổn định giá lợn được các chuyên gia, nhà quản lý khuyến nghị, Việt Nam nên chủ động hạn chế, thậm chí là cấm xuất lậu lợn hơi tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, bởi đây chính là con dao hai lưỡi, chỉ được cái lợi nhỏ về chênh lệch giá trước mắt nhưng hệ lụy lâu dài về sau.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu Chính phủ không có sự kiểm soát kịp thời việc xuất lậu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm nay sẽ nhân lên gấp bội, từ đó có thể dẫn tới cơn sốt giá lợn mới tại Việt Nam.
Trong trường hợp nếu giá lợn hơi tại Việt Nam vượt quá 70.000 đồng/kg, thậm chí lên mức 80.000 đồng rồi trên 100.000 đồng/kg như thị trường Trung Quốc hiện tại, chắc chắn Chính phủ buộc phải can thiệp bằng việc cho phép nhập khẩu thịt lợn hay các sản phẩm khác để bình ổn.
Lúc này thiệt hại, hệ lụy và nguy cơ từ nhập khẩu thịt với người chăn nuôi trong nước còn lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận chênh lệch giá thu được từ việc xuất lậu lợn trong Trung Quốc. Vì vậy, bên cạnh việc kiến nghị Chính phủ hạn chế nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt vào Việt Nam, doanh nghiệp và người chăn nuôi lúc này cũng cần có trách nhiệm với xã hội và đất nước bằng hành động không xuất khẩu lợn hơi tiêu ngạch sang thị trường Quốc Quốc.
Cả người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước hiện nay mong nhất sự ổn định của giá lợn ở trục 60.000 - 65.000 đồng/kg để tái đàn, khôi phục và duy trì sản xuất. |
Nói như vậy không có nghĩa là ngành chăn nuôi không quan tâm hay xem nhẹ thị trường Trung Quốc mà về lâu dài cũng như để phát triển bền vững, việc xuất khẩu lợn của Việt Nam sang Trung Quốc cần được khuyến khích phát triển theo đường chính ngạch và phải là sản phẩm đã qua giết mổ, chế biến giống như ngành sữa Việt Nam đã đàm phán, đáp ứng thành công yêu cầu của Trung Quốc vừa qua.
Theo nguồn tin PV nắm được, gần đây có những ngày hàng nghìn con lợn của Việt Nam được thẩm lậu qua biên giới Trung Quốc thông qua các đường mòn, lối mở một số tỉnh ở phía Bắc. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch tả lợn Châu Phi vừa có Công văn gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Trong đó, cần ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp. Phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành. Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam. |