Bán lúa non vì hạn, mặn

Bán lúa non vì hạn, mặn
Sợ lúa mất trắng do hạn hán kéo dài, nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nhà nông phải bán cả lúa non để gỡ gạc một phần chi phí
Ông Văn Hùng (ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh  Sóc Trăng) vừa quyết định bán 12 công lúa mới trồng được hơn 10 ngày. Chi phí cho mỗi công hơn 600.000 đồng nhưng chỉ bán được 310.000 đồng. Ông lấy số tiền này để tập trung cứu 10 công lúa còn lại đã ngả vàng cũng do thiếu nước trầm trọng. “Nếu 2 tuần nữa không có nước ngọt, 10 công lúa này sẽ mất trắng” - ông Hùng lo lắng.
 
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Đầy (ngụ xã Tân Hưng) cũng vừa bán 13 công lúa trồng được hơn 2 tuần với giá 2,5 triệu đồng. Với số tiền này, ông chỉ “gỡ” lại được một ít tiền cày và lúa giống. Ông bộc bạch: “May mà bán được, chứ để đến giờ chắc lỗ nặng vì mấy hộ kế bên muốn bán nhưng chẳng ai mua”.
 
Hàng trăm ha lúa mới sạ ở Sóc Trăng sắp bị mất trắng do hạn, mặn - Ảnh: Thanh Sang

Tại huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), lúa bắt đầu chết ở nhiều nơi do thiếu nước ngọt. Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, nước biển Tây lẫn biển Đông đang xâm nhập sâu vào nội đồng khiến hàng trăm ha lúa bị mất trắng. Trước tình hình này, không còn cách nào khác, những người không có điều kiện bơm nước ngọt phải bán vội ruộng lúa của mình.
 
Vừa mua lại 10 công lúa non của một hộ ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết do có máy bơm mới dám mua lúa non. Nếu cứu được, 10 công lúa vừa mua cho ông thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Trong khi đó, sau khi mua lại gần 20 công lúa non 30 ngày tuổi của một hộ dân, ông Trần Văn Sáu (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) hy vọng mưa đến sớm sẽ cho ông lợi nhuận kha khá. “Nếu hạn, mặn tiếp tục khiến lúa chết thì mất hơn 6 triệu đồng tiền mua 20 công lúa non. Ngược lại, tôi sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều khi nước ngọt đổ về đồng ruộng” - ông Sáu tính toán.
 
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện Long Phú, các xã trong đê bao Long Phú - Tiếp Nhựt, như: Tân Hưng, Tân Thạnh, Long Phú, Long Đức, thị trấn Long Phú không nên xuống giống vụ 3 (xuân - hè) nhằm tránh thiệt hại do nước biển xâm nhập. Huyện này hiện có tuyến đê bao ngăn mặn khép kín nhưng không có nguồn tiếp nước ngọt vào mùa khô. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, cho biết: “Dù đã khuyến cáo nhưng vẫn có hơn 2.000 ha lúa được người dân gieo sạ trong đê bao. Do nước mặn đến sớm và kéo dài nên đã ảnh hưởng một số diện tích. Đến thời điểm này thì chỉ còn trông chờ vào nước mưa chứ không còn cách nào khác”.
 
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cuối tháng 2-2016, tình hình hạn, mặn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp ở ĐBSCL. Nếu không có mưa, hạn và mặn ở đây sẽ kéo dài đến tháng 6, thậm chí sang tháng 7.
 
Công Tuấn - Thanh Sang (Báo Người Lao Động)