Biến đổi khí hậu: Cơ hội đổi ngôi vị “hàng đầu thế giới” từ sản lượng sang giá trị
- Thứ tư - 27/09/2017 20:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngoài thách thức từ việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, vùng đất Chín Rồng còn bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình do mất rừng ngập mặn, rừng tràm và việc khai thác quá mức nước ngầm, gây sụt lún mặt đất - một nguyên nhân quan trọng khác khiến mực nước biển ngày càng dâng nhanh hơn. Ngành nông nghiệp phát triển lại thiên về chiều rộng hơn chiều sâu, dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước. Trong bối cảnh ấy, thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế buộc nền kinh tế đồng bằng phải có sức cạnh tranh cao hơn để có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
BĐKH là cơ hội để ngành nông nghiệp có thể đổi ngôi vị “hàng đầu thế giới” từ sản lượng sang giá trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành.
Nghèo hơn vì canh tác lúa vụ 3
Đàn vịt với hơn 2 ngàn con của gia đình anh Võ Văn Tiếng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nhốn nháo đòi vượt hàng rào sang cánh đồng rộng cả 10 ha vừa gặt xong ngay sát con kênh dẫn nước.
Nông dân Võ Văn Tiếng sản xuất lúa thích ứng với điều kiện tự nhiên
Với 40 ha trồng lúa, hơn 2 năm nay, Võ Văn Tiếng đã cắt giảm vụ 3, thay bằng nuôi vịt. Cứ 10 ha đất trồng lúa, anh đào 1 ao rộng khoảng 5.000 m2, sâu 3 m để chứa lũ và thả cá. Mùa nước nổi, nước từ sông xả thẳng vào ruộng để đón phù sa; mùa khô, lượng nước sạch, giàu dinh dưỡng trong ao được bơm vào ruộng. Đất được nghỉ và làm giàu nhờ đón lượng phù sa từ sông trong mùa lũ, từ ao trong mùa khô.
Sản lượng không bị giảm, 40 ha lúa của anh Tiếng lại không mất một đồng chi phí cho phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Quy cách sản xuất sạch này đáp ứng trúng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người dân. Nhờ vậy, sản phẩm của anh Tiếng với thương hiệu “Gạo ngon từ đất” không lúc nào đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường dù đắt gấp 3 lần so với các loại gạo khác của địa phương.
Anh Tiếng cho biết, miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, dồi dào phù sa, việc xây đê bao chặn không lấy “lộc trời” là lãng phí. Trước khi có đê bao này, người dân làm 1 năm 2 vụ lúa và năng xuất trung bình từ 700 - 800 kg/công (vụ đông xuân). Sau khi có đê bao, năng xuất vụ đông xuân chỉ khoảng 600kg/công mà lại dùng rất nhiều phân, thuốc hóa học. Tôi làm 2 vụ thôi để khôi phục lại đất làm lúa, không dùng đến phân, thuốc hóa học, tạo ra giá trị cao hơn.”
Với tư duy thống trị trong một thời gian dài rằng, sản lượng, năng suất lúa càng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân càng cao, nhiều năm qua, diện tích sản xuất lúa vụ 3 ở Đồng Tháp ổn định ở mức 140 ngàn ha, chiếm 2/3 tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh này.
Ông Lê Minh Hoan - Uỷ viên Ban Chấp hành (UVBCH) Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết, trong nhiều năm qua, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hay tỉnh Đồng Tháp thường “say” trong các số liệu về năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu; trong khi, yếu tố đầu vào hay chi phí sản xuất hầu như không được đề cập. Người nông dân dường như cũng quên… tính yếu tố quan trọng này trong hoạt động sản xuất của mình. Chỉ thấy mãi vẫn chưa… giàu, nông dân càng nỗ lực gia tăng sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 7 vụ/2 năm; thay vì, lẽ ra, phải tiết kiệm chi phí đầu vào.
“Đồng Tháp cũng như rất nhiều tỉnh tăng vụ 3 lên vì cứ nghĩ trúng mùa, bà con sẽ khấm khá. Chúng ta quây đê bao 3 vụ lại, phù xa vốn ít ỏi do các đập thượng nguồn, lại không được đưa vào đồng ruộng. Cây lúa chỉ trông mong chất dinh dưỡng từ phân với thuốc; do vậy, chất lượng không tốt và chi phí cao. Giá bán thấp, chi phí cao, nông dân thiệt hại kép. Chính quyền sai ở chỗ cứ đồng nghĩa sản lượng cao thì thu nhập cao. Còn người nông dân cứ thấp thỏm chờ giá lúa gạo cao nhưng người ta quên rằng, lẽ ra phải tiết kiệm chi phí đầu vào.” - ông Hoan nói.
Chúng ta chưa hiểu hết về đồng bằng, chưa lường hết những phản ứng của vùng đất này để khai thác nó đúng quy luật và hiệu quả. Đồng bằng đã bị tác động chưa thật đúng do chúng ta chỉ nghĩ đến gạo. Hơn 20 năm trước, người dân với sự hỗ trợ của chính quyền đã xây dựng gần 20 nghìn km đê bao chống lũ triệt để, bảo vệ hơn 6 nghìn ô ruộng sản xuất 3 vụ; khoảng 18 nghìn km đê bao chống lũ để bảo vệ trên 4.500 ô ruộng sản xuất 2 vụ. Tổng chiều dài đê bao để bảo vệ sản xuất lúa là gần 38 nghìn km.
GS. TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích: “Chúng ta có lỗi khi tác động chưa thật đúng. Chúng ta cứ nghĩ đến gạo, đến lương thực; tập trung làm vụ 3 lớn quá mà không nhìn thấy toàn bộ các tác động đối với vùng hạ lưu. Năm 2010, tôi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Đại học Havard, họ nói rất thật rằng: “Hỡi các bạn Việt Nam, không ai khen các bạn xuất khẩu gạo đâu. Các bạn hãy làm gì ra nhiều tiền nhất trên 1 ha đất của các bạn”.
Thực tế cho thấy, càng canh tác lúa vụ 3, nước ta càng nghèo thêm. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, lợi nhuận của nông dân canh tác 3 vụ lúa/ha là 38 triệu đồng; còn ở TX.Hồng Ngự, canh tác 2 vụ, lợi nhuận đạt gần 35 triệu đồng/ha.
Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2010 - 2015, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL tăng 4 triệu tấn; tuy nhiên, chỉ số giá bán lúa giảm 3 - 4%/năm, chỉ số giá bán nguyên liệu, vật liệu nông nghiệp tăng trên 10%.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia sinh thái ĐBSCL, lợi nhuận ròng của canh tác lúa vụ 3 là âm khi tính đến chi phí xây dựng đê; cùng với đó, khi nâng cao đê, lợi nhuận của vụ 1 và 2 giảm; nguồn lợi thuỷ sản của đồng ngập lũ cũng bị mất đi; chưa tính đến những hiểm họa khôn lường về lâu dài, đó là nguy cơ mất an ninh lương thực khi đất đai bạc màu. Ông Thiện cho hay: “Theo tính toán của chúng tôi, canh tác lúa vụ 3, xã hội bị thiệt hại khoảng 47,8 triệu đồng/ha. Trong mùa khô, những cánh đồng này không còn nước bổ sung cho dòng chính, mặn xâm lấn sâu vào đất liền. Canh tác lúa vụ 3 gây ra nhiều thiệt hại, chẳng những tại chỗ mà trên toàn đồng bằng”.
Việc duy trì chiến lược phát triển lúa gạo như hiện nay chẳng khác gì hình thức hỗ trợ cho nước ngoài ăn gạo giá rẻ. PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nước ta không nên tiếp tục chuyển tất cả những giá trị của đất, nước, môi trường, đa dạng sinh học thành tiền thông qua lúa gạo vì việc sử dụng tài nguyên như vậy là không hiệu quả.
Làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: “BĐKH chính là cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp triệt để hơn, hướng về giá trị thay vì số lượng. Giá trị bình quân cả nước là 83 triệu đồng/ha, mình mới đạt 60 triệu. Vậy 4,6 triệu tấn lúa cũng chẳng có nhiều ý nghĩa. Chúng ta phải đi vào chất lượng, không chạy theo số lượng”.
Theo Trung tâm Quản lý môi trường Quốc tế (ICEM), từ năm 2000 - 2001, các ô đê bao khép kín được xây dựng để canh tác 3 vụ chiếm diện tích 1.100 km2 nên khả năng trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên giảm từ trên 9 tỷ m3 xuống còn hơn 4,5 tỷ m3. Không gian trữ nước đã mất đi 4,7 tỷ m3. Hệ quả là mực nước và áp lực dòng chảy trên sông chính gia tăng, gây xói lở các vùng dân cư ven sông, làm ngập các cụm tuyến dân cư và gia tăng ngập úng tại các vùng chưa được bảo vệ. Giảm diện tích ngập lũ cũng làm mất nguồn bổ sung cho nước ngầm và khả năng trữ nước mặt của Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười; làm gia tăng xâm nhập mặn cả ĐBSCL.
Sản xuất lúa thường xuyên đối mặt với những rủi ro do thời tiết thất thường
Những con đê ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã hình thành từ hàng ngàn năm từ truyền thống Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thống trị thủy của Việt Nam. Tuy nhiên, ở ĐBSH, khối lượng bù đắp về vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp rất lớn vì hầu như đồng ruộng ở ĐBSH không nhận được phù sa dù sông Hồng đầy ắp.
ĐBSCL có nên phải trả giá như thế không?
Quá trình mở đất 300 năm của người Việt ở Nam bộ đã mở cho người Việt Nam ta một kiến thức khác, một cách sống hài hòa với thiên nhiên, làm đa dạng truyền thống trị thủy của người Việt. Đã đến lúc, lũ cần được đưa trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác tất cả lợi ích từ lũ như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất; lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm; giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thuỷ sản,…
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, chính sự sáng tạo của nông dân Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự đã gợi mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp tỉnh này; qua đó, cắt được vụ 3, đưa nước vào đồng, đem lại nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất. Ông Công cho biết: “Cũng có nơi không làm lúa cũng chẳng biết làm gì. Những chỗ như vậy, chuyển một năm làm 2 vụ lúa, 1 vụ lúa ngắn ngày, 1 vụ dài ngày. Như vậy, có thể lấy được lũ, đồng thời, khai thác được nguồn lợi thủy sản. Thu nhập của người dân không giảm xuống. Những vùng trũng hơn nữa, hỗ trợ người dân chuyển sang làm chu kỳ sen, lúa. Trồng sen 3 - 4 năm; quay lại trồng lúa 2 - 3 năm. Đất được nghỉ ngơi, lấy phù sa để trồng lúa cho những vụ sau. Người ta có thể có thêm thu nhập phi nông nghiệp qua việc tổ chức dịch vụ du lịch mùa nước nổi gắn với cánh đồng sen. Đó là bài toán giải quyết bài toán về lúa vụ 3”.
Tuy nhiên, với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng phải được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, đe doạ tới tính mạng và tài sản nhân dân.
Theo GS. TS Đào Xuân Học, để thực hiện được yêu cầu này, ĐBSCL chỉ cần một hệ thống đê bao lớn (đường giao thông hiện có) dọc 2 sông chính, các nhánh sông và 1 hệ thống cống, bao gồm cống và âu thuyền. Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, mở thường xuyên để nước chảy và phục vụ giao thông thuỷ. Cống chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát đỉnh lũ với những trận lũ lớn cực đoan, hạn chế những trận lũ sớm để bảo vệ vụ lúa hè thu và đóng cống cuối vụ để tưới tiêu trong đồng đối với những năm lũ muộn. Âu thuyền phục vụ giao thông thuỷ khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ. Khi đó, tổng chiều dài đê chống lũ chỉ còn 1.200 km thay vì 57.000 km như hiện nay.
Trường hợp lấy đường quốc lộ dọc sông làm đê, vốn đầu tư là 58.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư thêm cho phương án đê bao cục bộ như hiện nay là 170.000 tỷ đồng. Khi nước biển dâng, phương án đê bao lớn chỉ cần nâng cấp 1.200km đê; trong khi đó, phương án bao đê cục bộ, ngoài việc phải nâng cấp trên 57.000km đê, còn phải xây thêm 40.000 km đê để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất vì diện tích ngập và chiều sâu ngập gia tăng.
Như vậy, với phương án đê bao lớn, ĐBSCL sẽ không cần xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, làng ấp; không cần đê chống lũ 2 vụ; không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê trong nội đồng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau mỗi năm lũ lớn. Đó chính là phương án chủ động sống chung với lũ.
Chính sách không theo kịp … cuộc sống
Trong những năm gần đây, đời sống người dân ở các khu đô thị được cải thiện rất nhanh, nhưng ở vùng nông thôn, nhất là vùng trồng lúa, những chuyển biến không thật rõ rệt. Một trong những nguyên nhân là do chậm giải được bài toán chuyển từ an ninh lương thực sang thu nhập.
Nhiều cống ngăn mặn được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long
Nói cách khác, đó là vì sự thiếu quyết đoán của ngành nông nghiệp trong việc tái cơ cấu lại ngành này dù nước ta đã vượt xa mục tiêu đảm bảo an ninh lực thực. Đặc biệt, trong ứng phó với BĐKH, chính sách đã không theo kịp … thực tiễn cuộc sống.
Ông Lữ Văn Rê - xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 20 năm. Ông nhớ lại, sau hơn 4 năm đầu trúng lớn, khu vực này được đắp cống ngăn mặn, ngọt hóa để trồng lúa. Người nuôi tôm điêu đứng. Sau đó, người dân phá cống cho nước mặn tràn vào đồng. Vùng đất Tân Lộc Đông chính thức gắn bó với con tôm kể từ đó. Tuy nhiên, ông Lữ Văn Rê cho biết, thời gian gần đây, sản lượng tôm nuôi liên tục sụt giảm vì thiếu nguồn nước sạch.
Cách ao nuôi nhà ông Rê không xa, một khu vực rộng trên 3 km2, trước đây là đất lúa, cuối năm 2016, rầm rộ được chuyển đổi tự phát sang nuôi tôm. Anh Bào Văn Mến, ấp 7, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình có 4 công lớn (mỗi công 1.200 m2) chuyên sản xuất lúa. Do lợi nhuận từ trồng lúa rất “bèo” và thấy nhiều người chung quanh đào ao nuôi tôm, anh “đành” làm theo. Anh không thể cứ để đất mãi không “đẻ” ra tiền vì trồng lúa; trong khi, nước mặn – cơ hội sinh lợi rất cao đã ngập ruộng kế bên.
Đã có lúc, sự sáng tạo trong sản xuất của người nông dân như việc nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn vì các hộ chung quanh và đặc biệt là chính quyền các cấp quyết liệt bảo vệ diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, anh Mến cho hay, nhiều năm trở lại đây, bà con đã đồng lòng nuôi tôm thay lúa và chính quyền cũng đã… lờ đi.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, do hệ thống hạ tầng không theo kịp sự phát triển của thực tiễn sản xuất nên không chỉ không đạt được mong muốn như kỳ vọng, người nuôi trồng thuỷ sản còn bị “phản đòn”.
Nuôi trồng thuỷ sản phát triển nhanh chóng nhưng lại dựa trên hệ thống thuỷ lợi dành cho … trồng trọt. Hệ quả là, trong đợt hạn mặn năm ngoái, Cà Mau có tới 158.000ha thuỷ sản nuôi bị thiệt hại từ 30-100% so với khoảng 51.000 ha lúa, 15.000ha rau màu và cây ăn trái.
Ở ĐBSCL, từ năm 2010 - 2015, diện tích nuôi thuỷ sản ổn định ở mức rất cao, hơn 750.000ha. Nhưng cũng như Cà Mau, hầu hết cơ sở hạ tầng của khu nuôi trồng khu vực này không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu. Diện tích nuôi chủ yếu là quảng canh, không có đường cấp và thoát nước riêng, không được cấp nước ngọt. Vấn đề kiểm soát mặn cũng chưa được quan tâm, ranh giới mặn ngọt không rõ ràng, nhiều vùng bị xen kẹp, phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thuỷ sản và vùng trồng trọt.
GS. TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế cho rằng, nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm có tiềm năng kinh tế rất cao nhờ tận dụng được nguồn nước mặn, một mô hình sản xuất có thể thích ứng với BĐKH nhưng đang là ngành có rủi ro lớn nhất.
Một trong những lý do thất bại của Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau chính là chủ trương đó không hợp với lòng dân. Trong nhiều năm qua, tại sao không ít chính sách của ngành nông nghiệp không đi vào cuộc sống?
Ông Lê Minh Hoan - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp thẳng thắn cho rằng, không ít chính sách được ban hành không gắn với thực tiễn, trong đó có trách nhiệm của địa phương trong việc đóng góp về chính sách đó. Nhiều khi gửi dự thảo vô, coi qua quýt, rồi gửi ra và ngoài kia tưởng là đã có tiếng nói từ cơ sở rồi”.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng nêu rõ vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mờ nhạt trong các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Còn theo ông Nguyễn Văn Thể, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT quá chậm trong thích ứng với BĐKH, trong khi, bằng thực tiễn sản xuất của mình, người nông dân đã chọn được hướng đi để thích ứng với nó.
“Các chính sách của mình để thích ứng với BĐKH, đặc biệt là chính sách chỉ đạo sản xuất, hay chuyển đổi mô hình sản xuất… quá chậm. Hệ thống cung cấp nước sạch cho người nuôi tôm, Chính phủ, Bộ, nhà đầu tư cũng thấy nhưng giờ vẫn không có, thế thì làm sao phát triển đột phá được. Con tôm, hiện nay, phát triển không bền vững vì hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh", ông Thể nói.
Không có chính sách phù hợp và kịp thời trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng, người dân đã tự thích ứng, dù không hiệu quả và có thể gây mâu thuẫn trong sản xuất.
Trường hợp huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) muốn nuôi tôm; trong khi, thị xã Ngã 5 (Sóc Trăng) lại muốn trồng lúa là một ví dụ. Đối với Sóc Trăng, vùng đó trồng lúa là hiệu quả nhất; còn ở Hồng Dân, làm tôm là kinh tế nhất vì gần vùng nước mặn. Trong khi chính quyền hai tỉnh còn đang chờ vào sự phân ranh rõ ràng mang tính pháp lý của các bộ ngành thì người dân 2 vùng giáp ranh không ít lần đã dùng dao rượt đuổi nhau...
Nghiêm trọng hơn, vì không rõ ràng trong phân ranh mặn ngọt nên các giải pháp cấp nước ngọt cho vùng nuôi trồng thuỷ sản cũng không có. Và để đáp ứng nuôi trồng thuỷ sản trước mắt, người dân đã “vô tư” nhấn chìm dần cả ĐBSCL.
Nước ngầm vùng ĐBSCL phân bố rất phức tạp, đặc biệt là phân bố mặn - nhạt. Nước nhạt trong các tầng chứa nước như các “thấu kính”, bao quanh là nước mặn. Nguồn bổ cập rất hạn chế, tiềm năng khai thác nguồn nước này chủ yếu từ trữ lượng tĩnh. Số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay cho thấy, mực nước ngầm trung bình ở đồng bằng này giảm khoảng 0,4 m/năm. Do các tầng chứa nước đều được cấu tạo bởi đất đá bở rời, chưa cố kết nên việc khai thác tràn lan đang gây sụt lún bề mặt đất với tốc độ khoảng 1-3cm/năm. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, với hạn mặn, sụt lún đất ở ĐBSCL còn ảnh hưởng nhanh hơn gấp 5 lần so với ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng.
Theo kết quả nghiên cứu của Norwegian Geotechnical Institute, Cà Mau, với trên 100.000 giếng nước ngầm, khai thác mỗi ngày hơn 370.000m3. Lượng nước ngầm được bổ cập tự nhiên khoảng 100.000m3/ngày; như vậy, lượng nước ngầm thiếu hụt khoảng trên 270.000m3/ngày. Đó là nguyên nhân chính gây ra lún sụt đất nghiêm trọng ở Cà Mau, khoảng 3-7 cm/năm. Nhóm chuyên gia này cảnh báo, nếu khai thác nước ngầm không thay đổi thì sau 50 năm nữa, mặt đất của vùng Cà Mau sẽ hạ thấp từ 120 đến 210 cm.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị cho rằng, nếu tiếp tục làm như vừa qua, không lâu nữa, hạn mặn sẽ xâm nhập sâu vào cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Nước ngầm bị hút lên mất kiểm soát, đang đe dọa nhấn chìm cả vùng đất Chín Rồng!
Hài hoà với thiên nhiên để vượt lên biến đổi khí hậu
Để ứng phó với BĐKH, không thể nóng vội đưa ra các chính sách nhằm can thiệp vào các triệu chứng bề mặt thay vì những nguyên nhân sâu xa; không thể vì những kết quả tốt trong ngắn hạn mà bỏ qua sự bất ổn trong dài hạn; nếu không, càng ngày, nhu cầu can thiệp theo triệu chứng càng nhiều hơn.
Con đường vượt lên biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long là phải lợi dụng thiên nhiên để sống
ĐBSCL cần được rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. BĐKH chính là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi ngôi vị “hàng đầu thế giới” từ sản lượng sang giá trị, đảm bảo phát triển bền vững và giữ được an ninh lương thực.
Phường Khánh Hòa, TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất thị xã với trên 60 ha, chủ yếu ở các khóm Châu Khánh, Trà Niên và Huỳnh Thu. Trong cao điểm của đợt hạn mặn năm ngoái, nước ngọt trên các kênh rạch cạn kiệt, nước sông cũng bị nhiễm mặn nên ao nuôi cá lóc nào cũng đều khoan ít nhất một giếng nước.
Trong đợt khảo sát mới đây tại TX.Vĩnh Châu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng phát hiện gần 90 giếng khoan không phép với độ sâu từ 100-200m/giếng. Nguồn nước đều bị khai thác vượt ngưỡng quy định trên 10m3/ngày đêm.
Ông Đồng Thống Nhất - Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng Thủy văn, Sở TN&MT tỉnh này thừa nhận, không thể nắm hết hiện trạng khoan giếng nước ngầm cho nuôi trồng thuỷ sản.
Ứng phó với hạn mặn, người Sóc Trăng vội vàng khoan giếng, hút nước tưới cho lúa, hoa màu; hòa với nước sông, làm giảm độ mặn để cứu cho được những ao tôm, cá - trị giá bằng cả gia tài của gia đình. Tuy vậy, tổng diện tích tôm, lúa, cây ăn trái, hoa màu của Sóc Trăng vẫn bị thiệt hại hơn 31 ngàn ha. Hàng ngàn tỷ đồng bị cuốn theo nước biển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân. Và cũng chính cách ứng xử trước mắt này lại là nguy cơ có thể nhấn chìm cả gia tài của nhiều gia đình hơn nữa trong nay mai.
UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể lo lắng: “ĐBSCL bị lún là do khai thác vô tội vạ; nước mặn xâm nhập vô. Nước ngầm chỉ lợi trước mắt, lâu dài rất nguy hiểm. Vùng ven biển không có nước ngọt mà nguồn nước ngầm bị ô nhiễm thì người dân biết làm sao để sống?”!
Mùa khô năm 2015 - 2016, tổng thiệt hại do hạn mặn ở ĐBSCL khoảng 7.900 tỷ đồng với trên 400 ngàn ha lúa, 8,1 ngàn ha hoa màu, 28,5 ngàn ha cây ăn quả, 82 ngàn ha ao tôm bị ảnh hưởng và trên 390 ngàn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. 6 tháng đầu năm 2016, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Những nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là do tác động của El Nino nên mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm; Dòng chảy thượng lưu sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong 90 năm qua, không còn khả năng đẩy mặn; BĐKH làm nước biển dâng cao, kết hợp với triều cường nên mặn xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ, xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90km.
Khô kiệt ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu hộ dân vùng đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, hội chứng “kẻ thù ở bên ngoài” là một cách nhìn không hệ thống.
Những vấn đề của ngày hôm nay còn phát sinh từ các giải pháp của ngày hôm qua.
Sau năm 1975, Việt Nam bắt tay vào quy hoạch khai thác ĐBSCL. Các vấn đề cần giải quyết, đó là phèn, chua và mặn nhằm khai thác 3 tiểu vùng đất rộng người thưa: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.
Thách thức khi đó đối với đồng bằng, đặc biệt 3 vùng này, là mùa mưa, lũ ngập mênh mông; mùa khô, nước thiếu trầm trọng và xì phèn. Thêm vào đó, nước mặn theo triều xâm nhập sâu vào đồng bằng.
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI cho rằng, chúng ta vượt qua khá thành công thách thức này, đã thắng thiên nhiên khi xóa được phèn ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Ở nước ta không có “Vạn lý trường thành” nhưng ĐBSCL có “vạn lý đường kênh” cho phép ém phèn để canh tác lúa, thau chua và rửa mặn. Nhà nước và Nhân dân xây dựng rất nhiều cống ngăn mặn nhằm giữ ngọt và “ngọt hóa” những vùng bị nhiễm mặn; qua đó, tăng được diện tích canh tác lúa hai vụ. Những năm 1990, tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang,… bao đê vượt lũ làm lúa vụ 3 với tổng diện tích trên 300 ngàn ha. Với khoảng 7 triệu tấn lúa năm 1986 thì nay tổng sản lượng lúa của vùng này đạt trên 25 triệu tấn/năm, mang về khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước về mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cái giá phải trả cho nỗ lực đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, làm tròn nhiệm vụ giữ an ninh lương thực quốc gia là diện tích rừng tràm biến mất nhanh chóng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ. Các vùng trũng bị “chắt” cạn nước để tăng vụ, làm giảm diện tích trữ ngọt, gia tăng xâm nhập mặn; độ phì nhiêu và các nguồn lợi thủy sản suy kiệt; môi trường suy thoái,...
Tương tự, trong thập niên 1980, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL còn khiêm tốn. Nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản của đồng bằng chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước về mặt hàng này. Quy hoạch diện tích nuôi tôm cho 5 năm đã được các tỉnh ven biển hoàn thành chóng vánh chỉ trong 1-2 năm. Động lực nằm ở giá cánh kéo giữa lúa và tôm.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là rừng ngập mặn phải nhường lại cho các vuông tôm. Theo Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, từ năm 1983 đến năm 1999, diện tích rừng ngập mặn ĐBSCL đã giảm gần 80%. Hệ quả là, chúng ta đạt mức sống cao hơn nhưng bấp bênh; thu nhập tăng lên nhưng không bền vững.
Theo những kịch bản nước biển dâng và kết quả phân bố xâm nhập mặn tương ứng đến cuối thế kỷ này, nếu mực nước dâng lên 100cm, mặn có thể xâm nhập sâu trên sông Hậu 15km; trên sông Tiền khoảng 6km. Khi xét đến lún nền, mặn tại biển Đông có thể xâm nhập sâu thêm từ 3-16 km trên các sông chính. Nếu xét cả 3 yếu tố lún nền, nước biển dâng, giảm dòng chảy thượng lưu 30% thì mặn xâm nhập khá sâu ở khu vực ven biển Đông, ranh giới mặn 4%0 trên sông Hậu có thể lên tới kênh Ô Môn - Xà No.
Khi nước biển dâng lên 75 cm, ranh giới mặn vẫn vào sâu thêm khoảng 20 km so với hiện nay. Khi đó, nguồn nước sẽ không đủ phục vụ cho các ngành kinh tế. Vào năm 2050, khi mực nước biển tăng lên 30 cm, diện tích đất sử dụng lớn nhất có thể bị ảnh hưởng ở độ mặn 4%0 là trên 1,6 triệu ha, chiếm 41% diện tích toàn ĐBSCL.
Tuy nhiên, những mối đe doạ này lại chính là cơ hội để ngành nông nghiệp nước ta đổi ngôi vị “hàng đầu thế giới” từ sản lượng sang giá trị.
GS. TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam phân tích: “Hiện nay, chúng ta thiên về giải pháp công trình để hạn chế hơn là chấp nhận nó. Cái này cần phải điều chỉnh. Mặn cũng là một lợi thế, chứ đâu phải có tác hại không. Nếu chỉ trồng lúa thì tác hại thật nhưng ta tiếp cận theo cách khác thì chẳng phải hại. Cần phải kiểm soát được nó, mà kiểm soát mức độ chứ không phải bằng mọi giá. Xu hướng bây giờ là phải thích ứng và giảm thiểu. Thiên nhiên không thể chống được”.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, con đường vượt lên BĐKH ở ĐBSCL là phải lợi dụng thiên nhiên để sống: “Chúng ta đã phá vỡ cân bằng thiên nhiên đi khá nhiều. Cho nên mô hình phải xen kẽ, chấp nhận cái vá víu, nối kết những sai lầm của chúng ta với những điều kiện mà trước đây chưa có được. Tuy nhiên, chúng ta không nên đương đầu chống lại tự nhiên. BĐKH là một quá trình, các thách thức sẽ đến từ từ. Chúng ta có thể xây dựng một chiến lược vững bền, đầu tư chắc chắn, không hối tiếc trong tương lai.”
Sau khi khảo sát ĐBSCL, khu vực có quy mô, diện tích, dân cư tương tự, đoàn công tác của chính phủ Hà Lan khuyến nghị rằng, với một nước nghèo và giàu tự nhiên như Việt Nam, phải tính toán một cách khôn ngoan, từng bước sống hài hòa với thiên nhiên. Lời khuyên đó hợp với lòng dân, với kinh nghiệm của chính chúng ta trong lịch sử, với bài học quốc tế và với xu thế BĐKH đang rất phức tạp như hiện nay.
Ở Cà Mau, mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm đạt hiệu quả cao là thực tế không thể bàn cãi. Nhiều năm trở lại đây, giá 1 kg tôm rẻ nhất cũng bằng 2 giạ (hơn 40kg) lúa. Mặt khác, mô hình sản xuất lúa luân canh với tôm có tính cộng sinh. Khi cắt lúa, khúc rạ ngã xuống, sinh ra thức ăn cho tôm. Sản phẩm phụ của lúa là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho nuôi tôm. Ngược lại, phụ phẩm của nuôi tôm là nguồn phân hữu cơ để cây lúa tốt hơn. Hơn nữa, khi sản xuất luân canh, chuyển đổi từ hệ sinh thái mặn sang ngọt và ngược lại, các mầm bệnh bị tiêu diệt.
Ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau chia sẻ: “Nước mặn hoàn toàn có thể biến thành lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. BĐKH là mình phải sống chung với nó, phải biến nó thành cái lợi cho mình.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT, thay vì lấy lúa làm gốc, chúng ta lấy thủy sản làm gốc, đặc biệt là con tôm. Ở thượng nguồn, người nông dân đã khá thành công với mô hình lúa - tôm, lúa - cá, nhất là tôm càng xanh; hạ nguồn thì lúa - tôm. Thời gian qua, hơn 100 ngàn ha ở ĐBSCL đã được bà con chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm; sản xuất 2 vụ tôm, 1 vụ lúa; lúc đó, tôm là chính, lúa là phụ,… Thu nhập của người nông dân rất cao. Mức độ thích nghi với môi trường ổn định hơn. Thách thức được biến thành cơ hội. Người nông dân bằng những trải nghiệm thực tiễn của mình đã biết cách sử dụng thiên nhiên uyển chuyển, hòa hợp với con người, chứ không phải cưỡng chế, đương đầu với nó.
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL gấp gần 8 lần so với Thái Lan nhưng sản lượng chỉ bằng 93% và trở thành ngành có nhiều rủi ro nhất đối với nông dân.
Phải tính toán một cách khôn ngoan, từng bước sống hài hòa với thiên nhiên
Từ bài học của Thái Lan, ngoài tập trung vào các giải pháp quản lý, khoa học công nghệ, rất cần quy hoạch một số vùng chuyên canh, tập trung và nuôi theo hướng công nghiệp. Để thực hiện được nhiệm vụ này, phải tạo được phân ranh mặn ngọt rõ ràng, xây dựng đường cấp và thoát nước riêng biệt, chủ động trong việc cấp nước mặn và ngọt, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm ở vùng nuôi trồng thuỷ sản - nguyên nhân gây sụt lún đất ở đồng bằng.
Theo GS. TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đã đến lúc, phải tính đến việc hình thành tuyến đường phát triển kinh tế xã hội để tạo ra ranh giới mặn ngọt và là vùng đệm để bảo vệ an toàn cho dân cư trong trường hợp đê biển có sự cố do nước biển dâng vì bão lớn, siêu bão hay sóng thần. Phạm vi giữa tuyến đường và đê biển chủ yếu dành cho nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp, trồng rừng ngập mặn và bố trí đường cấp nước và thoát nước riêng biệt.
Theo đó, căn cứ vào yêu cầu về diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện tại, vị trí tuyến đường này được đề xuất cách tuyến đê biển từ 5-6,6km. Khi đó, tổng diện tích có thể nuôi trồng thuỷ sản tập trung kho.
Nguồn: bannhannong.vn