Bình Định: Ngô lai "giương oai" trên đất lúa
- Thứ tư - 05/08/2015 03:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng ngô thay lúa, bà con vừa tránh được áp lực đầu vào tăng, đầu ra giảm mà còn làm cân đối nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Điều quan trọng là có thu nhập vượt trội. Mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra là SX lúa phải bảo đảm nông dân có lãi 30% so với giá thành.
Tuy nhiên trong bối cảnh giá vật tư đầu vào không ngừng tăng, rủi ro do tác động biến đổi khí hậu luôn rình rập ảnh hưởng trực tiếp đến SX lúa. Bên cạnh đó, thị trường XK gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn đã kéo giá lúa trên thị trường nội địa tụt xuống mức thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong tháng 4 - 5.2015, giá lúa khô ở Nam Trung bộ biến động ở mức 5.000 - 5.300 đ/kg tùy theo chất lượng gạo, giảm từ 700 - 1.000 đ/kg so cùng kỳ năm trước, kéo thu nhập của người trồng lúa giảm theo.
Từ thực tế trên, nhiều địa phương đã chuyển sang trồng ngô nhằm tăng thu nhập của nông dân, đáp ứng được nhu cầu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.Thực tế cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng, do 50 - 60% nguyên liệu (ngô, đậu tương) phải nhập từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,5 - 1,6 tấn ngô hạt. Chuyển lúa sang ngô cũng là cách giải bài toán mất cân đối lương thực.
Ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các mô hình chuyển lúa sang ngô ở Bình Định thực sự mang lại hiệu quả, nhất là mô hình thâm canh ngô lai SSC 586 tại huyện Vân Canh. Năng suất ngô đạt 75 tạ/ha, tổng thu 52,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn 26 triệu đồng/ha.
Mô hình đã góp phần đưa nhanh giống ngô lai mới năng suất cao, chất lượng tốt vào SX, góp phần cải tạo đất trong luân canh cây trồng trên chân đất SX lúa. “Nhân rộng mô hình này cho các vùng SX ngô trên địa bàn Bình Định và những vùng chuyển đổi để tăng thu nhập cho nông dân, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích là điều khả thi”, ông Thông khẳng định.
Nông dân Lê Thanh Bình ở HTXNN Ân Phong (Hoài Ân), chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa: “Trồng ngô mặc dù chi phí hạt giống, công lao động, phân bón, thuốc BVTV cao hơn làm lúa nhưng năng suất cao, giá ngô ngang giá lúa nên hiệu quả cao hơn nhiều”.
Theo tính toán của ông Bình, chi phí phân bón, thuốc BVTV trên 2 sào ngô LVN61 (500 m2/sào) cao hơn làm lúa là 725.000đ, công lao động tăng hơn 240.000đ. Tuy nhiên, năng suất ngô lai tăng 2,5 tạ, tổng thu ruộng ngô hơn 4,5 triệu đồng, lãi ròng gần 2 triệu đồng. “Tính chi li, đám ruộng 2 sào của tui chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô thu nhập tăng thêm hơn 1,4 triệu đồng, con số rất ý nghĩa đối với dân thuần nông”, ông Bình cho biết thêm.
Ở Quảng Nam, trên chân đất lúa chủ động nước tưới, không bị ngập úng khi mưa lớn, chuyển sang trồng ngô tạo nên hệ thống canh tác có giá trị và mang lại lợi nhuận cao hơn SX 2 vụ lúa. Nếu tính bình quân SX 2 vụ lúa/năm có giá trị là 66 triệu đồng/ha, lãi 18 triệu đ/ha thì công thức ngô ĐX - lúa HT thu nhập 87 triệu đồng, lãi 46 triệu đ/ha/năm; lạc ĐX - ngô HT thu nhập 114 triệu đồng, lãi 87 triệu đ/ha/năm; ngô ĐX - lạc HT thu nhập 102 triệu đồng, lãi 76 triệu đ/ha/năm. Hoặc như mô hình thâm canh ngô lai với giống NK 66 tại 2 xã Hòa Tân Tây và Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (Phú Yên) đạt năng suất 70 tạ/ha, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đ/ha/vụ.
Trong SX ngô, nông dân luôn băn khoăn lớn về vấn đề bảo quản sau thu hoạch, nhất là đối với đồng bào dân tộc miền núi. Thành công của Dự án “Nghiên cứu cải tiến công nghệ sau thu hoạch một số nông sản chính ở vùng cao thuộc các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông” của Bộ NN-PTNT, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch thực hiện đã phần nào giải quyết được vấn đề này.
Quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản ngô rất đơn giản, ai cũng có thể làm được. Sau khi ngô chuyển màu vàng, bắt đầu khô thì thu hoạch, chất đống ngoài vườn, dùng vải bạt tủ ủ 2 ngày cho phôi ngô lung lay để dễ tẽ bằng máy. Không nên ủ ngô lâu hơn vì sẽ tạo điều kiện cho cho nấm mốc phát triển. Sau khi tẽ, làm sạch rồi sấy, hạt ngô có độ ẩm 12-13%.
Sau khi sấy, ngô được làm sạch bằng máy sàng sẩy, rồi đóng vào bao có tính điều chỉnh thành phần không khí với khối lượng 40 kg/bao. Sau đó ngô được bảo quản bằng cách để nơi khô ráo, bên dưới lót cây gỗ để chống ẩm.
Nếu làm đúng quy trình sơ chế, bảo quản như đã nói trên, ngô sẽ giữ được chất lượng trong thời gian từ 8 - 10 tháng so với 2 tháng theo phương pháp bảo quản truyền thống.
“Ở nước ta, SXNN phải bảo đảm ổn định diện tích đất lúa 3,8 triệu ha để giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Vì vậy, chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày là hướng đi đúng, vừa gia tăng hiệu quả SX vừa giữ ổn định đất trồng lúa”, ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.