Cá tra lên giá, chớ vội thả nuôi
- Thứ bảy - 08/04/2017 20:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một số chuyên gia cảnh báo cần dè dặt, chớ chạy theo đuôi “cơn sốt giá” nhất thời.
Ông Võ Văn On, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, có hàng chục ao nuôi cá tra ven sông Hậu với diện tích 7ha. Trong những ngày qua giá cá tra tăng liên tục, nhưng ông nói không có lời nhiều, vì từ 6 năm qua ông nuôi gia công theo hình thức liên kết cho công ty IDI (Cty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia).
“Nếu nuôi giỏi, cá ít hao hụt đạt năng suất, có lời khoảng 2.000 đ/kg. Trong khi lúc này người nuôi cá riêng lẻ bên ngoài trúng giá, mức lời cao hơn rất nhiều. Nếu tính với giá 26.500 đ/kg, người nuôi có thể lãi tới 5.000 đ/kg. Do đó một số người thấy lời cao chạy đi tìm mua cá giống để thả nuôi. Dù đã có nhiều bài học rủi ro lỗ lã chỉ vì chạy theo giá…”, ông On nói.
Ông Lê Ngọc Phát, người cùng huyện Lai Vung với ông On hiện đang nuôi 20 ao cá tra gia công cho Cty IDI, cho rằng: Chính vì cá tra các nhà máy đang mua cao giá như lên cơn sốt nên kéo theo cá giống hút hàng, tăng giá cao và không đủ đáp ứng nhu cầu. Sau khi thu hoạch vụ cá vừa qua, tôi cần thả 13 triệu con giống để thả nuôi tiếp theo nhưng để tìm con giống chất lượng khó quá.
Vì cá giống hiện vừa thiếu nguồn cung, chất lượng lại kém, thả nuôi tỷ lệ hao hụt càng cao. Chất lượng cá giống không tốt có thể do các cơ sở SX giống ép cá bố mẹ đẻ nhiều lần. Nhưng điều này chính là hệ lụy từ những tháng giá cá tra nguyên liệu rẻ, cá giống bán không ai mua, nhiều cơ sở sản xuất cá giống giảm bớt sản lượng.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) phân tích: Năm 2016 diện tích cá tra nuôi giảm, sản lượng thu hoạch tăng so năm 2015 (chủ yếu nhờ tăng năng suất). Giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp trong các tháng 1, 2, 6 đến tháng 9 và bắt đầu từ tháng 10/2016 tăng đến 3 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên về cơ cấu thị trường cá tra có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ trọng hàng cá tra xuất khẩu sang Mỹ chiếm trên 22%; xuất khẩu sang EU, ASEAN, Mexico, Colombia giảm, nhưng Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh. Riêng thị trường Trung Quốc mỗi năm tăng 1,5 lần và hiện chiếm 17,8%, vượt hơn EU 15,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 1,7 tỉ USD, tăng 9,6% so năm 2015 và xấp xỉ năm 2014 (năm 2011 XK cá tra đỉnh cao nhất đạt 1,8 tỉ USD).
Trong khi đó qua 3 tháng đầu năm 2017, diện tích nuôi cá tra mới, thu hoạch cá tra ở ĐBSCL đều tăng so cùng kỳ năm 2016 (trên 210.000 tấn, tăng 27%). Có thể lý giải nguyên nhân: Do tác động giá cá nguyên liệu đang tăng ngang bằng mức giá cao nhất từ năm 2014 tới nay và thứ 2 là tác động từ thị trường Trung Quốc nổi lên thay thế thị trường EU, dẫu rằng thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Trong khi thị trường EU vừa qua do một số sự cố về công bố video về môi trường nuôi trồng, những tuyên bố của tập đoàn Carefour, Hội phụ huynh Tây Ban Nha sẽ không tiếp tục sử dụng sản phẩm cá tra, các nghi vấn về xuất xứ hàng hóa đối với hàng thủy sản Việt Nam... thì sắp tới sự chuyển dịch thị trường cá tra vào EU dự báo sẽ có thể giảm.
“Dự báo giá cá tra sắp tới, từ tháng 4/2017 đến cuối năm liệu có suy giảm như năm 2016 thì chưa đoán được, vì cá tra xuất khẩu hiện thời không tăng giá nhiều. Do đó người nuôi cá riêng lẻ chưa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp chớ vội thả nuôi cá ào ạt…”, ông Dũng khuyến cáo.
Nguồn: Nongnghiep.vn