Cam Khe Mây thối rụng, nông dân thiệt hại hàng trăm triệu
- Thứ ba - 29/11/2016 11:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vỏ cam bị đen sạm và dày khiến giá trị kinh tế vuờn cam gia đình ông Đinh Văn Thanh giảm hẳn, không bằng một nửa so với năm ngoái.
Trở lại vựa cam lớn nhất của huyện Hương Khê, sau những trận lũ liên tiếp, không chỉ cây hoa màu, gia súc thiệt hại, mà ngay ở trên những ngọn đồi cao, tưởng chừng nước lũ không vươn tới thì cây cam - giống cây chủ lực, chiếm gần 1/3 tổng thu nhập toàn xã bị ảnh hưởng nặng nề.
Chủ tịch UBND xã Hương Đô Đinh Văn Lâm cho biết, toàn xã hiện có 270 ha cam, trong đó có khoảng 150 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các khu vực Khe Mây, đập Khe Ruộng, Động Chùa… Thế nhưng, do mưa kéo dài đã khiến trên 40 ha cam bị rụng. Trong đó, nhiều hộ như anh Nguyễn Xuân Hoàn, Nguyễn Đình Chiến (xóm 3), Trần Văn Việt (xóm 2) hàng năm có doanh thu hàng trăm triệu đồng từ cây cam nhưng năm nay gần như mất trắng.
Tại khu vực Khe Mây, nhiều hộ trồng cam đang rơi vào cảnh thất bát. Như ông Đinh Văn Thanh hơn 1 ha cam năm nào cũng cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng, có năm lên đến 170 triệu đồng, nhưng năm nay, chỉ mong thu đủ trả chi phí phân bón. Mưa lớn liên tục hơn 2 tháng, khiến nhiều cây cam vàng lá, khi đào lên đã thối rễ. Với diện tích cam còn sống và cho quả, mưa liên tục cũng khiến vỏ cam bị đen, sạm và dày khiến chất lượng, mẫu mã giảm hẳn.
"Các năm trước, bán từ 30-40 nghìn đồng/kg nhưng năm nay có thời điểm không đến 10 nghìn đồng/kg. Thương lái cũng không còn mặn mà, người dân phải tự tìm các đầu mối tiêu thụ, việc bán cam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, có khi gia đình phải thức dậy từ 2h sáng chở đến các chợ để rao bán, nhập cho các thương lái đầu mối. Dự kiến, doanh thu năm nay của gia đình chỉ khoảng 20 triệu đồng", ông Thanh buồn nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vân cũng rơi vào cảnh tương tự, gần 2 ha cam chanh và cam bù, hàng năm đều cho thu nhập trên 100 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ hy vọng thu được 30 triệu đồng. Chưa kể nhiều cây bị ngập úng, một phần cam rụng còn do bệnh thối nâu hoặc nấm, bướm châm, đốm nâu, ruồi vàng…
Không chỉ do ngập úng, nhiều loại nấm và côn trùng cũng khiến cam nhà anh Nguyễn Văn Trọng rụng nhanh với số lượng lớn.
Theo một số người dân địa phương, không chỉ do ngập úng, nhiều loại nấm và côn trùng cũng khiến cam rụng nhanh, số lượng lớn.
Chị Đinh Thị Hằng thở dài: “Chồng tôi bệnh nặng, cả gia tài chỉ trông cả vào vườn cam nhưng năm nay coi như không có thu hoạch, lại chuẩn bị rơi vào cảnh nợ nần. Gần 200 gốc cam bù được chăm sóc kỹ để kiếm thêm thu nhập dịp tết cũng đã rụng hơn 2 tạ. Nhiều nhà còn phải bỏ thêm tiền thuê người đi đổ cam, bởi nếu không đổ kịp thì các loại nấm sẽ lây lan rất nhanh. Thời gian đầu, người dân hầu như đổ xuống suối Khe Mây, nhưng về sau, để bảo vệ nhau, người dân tự quán triệt không được đổ xuống sông suối mà tự đào hố chôn lấp”.
Dù cam không rụng quá nhiều nhưng anh Nguyễn Văn Trọng lại lo lắng về đầu ra sản phẩm. Theo anh, nhờ đồi cao và độ dốc lớn, cam dù có rụng nhưng vẫn còn số lượng lớn, không có người đến hỏi mua, việc tiêu thụ rất khó khăn. Trong khi các năm trước, thời điểm này, người dân đã bán hết cam chanh và rục rịch bán cam bù.
Cả tháng nay, những người trồng cam vẫn tích cực cắt tỉa quả, cành hỏng, đào cây chết, cắt cỏ quanh gốc… nhưng lượng cam rụng vẫn không ngừng giảm. Trong khi các thương lái không còn mặn mà với việc kinh doanh cam khiến nhiều người trồng thấp thỏm lo lắng. Người dân cũng dự báo, sản lượng cam bù phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm mạnh, chưa kể thời tiết từ nay đến cuối năm có thể còn diễn biến xấu, khả năng thị trường sẽ có nhiều biến động.
Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Lâm, diện tích cam rụng tùy theo từng vùng đất, nhiều hộ vẫn có thu hoạch lớn, chất lượng cam vẫn rất cao. Hiện tại, xã tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chống úng, phòng tránh dịch bệnh lây lan; đồng thời, khảo sát chính xác số lượng thiệt hại để báo cáo cấp trên, đề xuất hỗ trợ một số hộ thiệt hại nặng.