Cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất
- Thứ tư - 20/09/2017 03:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được biết, vụ lúa hè thu năm 2017, toàn tỉnh xuống giống hơn 36.700 ha, đạt 104% kế hoạch. Trong số đó, có hơn 26.400 ha bị ngập do mưa lớn kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Là địa phương có vùng ngọt hoá lớn nhất và là một trong những tiểu vùng được cho là đã khép kín, vụ hè thu vừa qua huyện Trần Văn Thời xuống giống được khoảng 28.977 ha.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Đồng Khởi cho biết, đợt mưa lớn trong tháng 8 vừa qua đúng vào giai đoạn lúa chín nên gây ra tình trạng ngập và sập, thiệt hại rất lớn với khoảng 2.889 ha. Không chỉ có cây lúa mà trên địa bàn huyện còn khoảng 91 ha rau màu gần như bị thiệt hại hoàn toàn cũng do mưa lớn gây ngập úng.
Theo thống kê, các xã bị thiệt hại nhiều nhất là: Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây Bắc… Trong tổng số lúa bị ngập, có hơn 2.894 ha bị mưa lớn làm ngã, đổ, mức độ thiệt hại ước từ 30-70%. Phần diện tích còn lại không thiệt hại nhiều nhưng cũng giảm năng suất nghiêm trọng do việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn.
Ông Khởi cho biết thêm, vụ hè thu vừa qua mức độ thiệt hại lớn là do không có giải pháp tháo nước cứu lúa vì thiếu các trạm bơm. Mặc dù huyện đã chỉ đạo xổ tất cả các cống trên tuyến Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc và các cống trên tuyến đê biển Tây nhưng không thể chống ngập cho người dân.
Không riêng huyện Trần Văn Thời, tình trạng ngập do mưa lớn vừa qua xảy ra trên diện rộng toàn tỉnh, nhưng mức độ thiệt hại ở các địa phương khác không đáng kể. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh cho biết, ngành đã chỉ đạo mở toàn bộ hệ thống cống, đập trên địa bàn để tháo nước và vận hành trạm bơm nước tiêu úng. Tuy nhiên, ông Tranh nhận định, các trạm bơm kém hiệu quả, một phần do một số khu vực bờ bao chưa khép kín, mưa ngập cả bờ bao. Ngoài ra, công suất trạm bơm hiện nay còn quá nhỏ, không đủ khả năng tiêu úng cho cả một vùng rộng lớn. Theo đó, thời gian tới sở tiếp tục đầu tư để nâng công suất máy bơm cũng như khép kín các tiểu vùng.
Một điều đáng mừng là trong đợt mưa lớn ấy tỉnh đã huy động được toàn lực từ việc xổ nước để cứu lúa, rà soát và huy động toàn lực các máy gặt đập liên hợp cắt lúa cho người dân kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Từ đó, thiệt hại phần nào được giảm thấp và bình quân vụ hè thu vừa qua cũng đạt năng suất từ 4,5-5 tấn/ha. Ngoài ra, chính quyền những địa phương có lúa bị ngập luôn theo dõi nắm tình hình giá lúa, không để tư thương lợi dụng ép giá người dân.
Ông Khởi còn cho biết thêm, đối với diện tích lúa bị thiệt hại, huyện đã chỉ đạo phòng nông nghiệp cũng như hội đồng thẩm định của huyện xác định mức độ thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ người dân.
Những nỗ lực để giúp người dân trong vụ hè thu vừa qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế và tạm thời. Vấn đề căn cơ nhất vẫn là làm sao hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất trước những diễn biến ngày một phức tạp của thời tiết.