Cánh đồng lớn '3 cùng'
- Thứ tư - 31/05/2017 22:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
2 thôn trưởng Lương Lộc và Tân Hội (xã Phước Hưng) thường xuyên thăm lúa
Đây là vụ rất gian nan, nhưng nhờ áp dụng “3 cùng”: Sử dụng cùng loại giống, cùng loại phân và gieo sạ cùng ngày đã hạn chế được dịch bệnh...
Nông dân lãi kép
Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cánh đồng lớn (CĐL) 100ha được xây dựng tại 2 thôn Lương Lộc và Tân Hội với 450 nông hộ tham gia. Đây là mô hình liên kết SX với TCty Giống cây trồng Thái Bình. Nông dân được tiếp cận được các tiến bộ KHKT như sạ hàng, mật độ gieo sạ chỉ từ 3,5 - 4kg giống/sào Trung bộ (500m2) nên giảm được lượng giống. Về quy trình kỹ thuật, bà con được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Do 5 đợt lũ xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2016 nên vụ ĐX năm nay chúng tôi gieo sạ muộn hơn 1 tháng so lịch thời vụ. Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ nên đã khống chế được dịch bệnh, cây lúa phát triển tốt, năng suất đạt trên 75 tạ/ha”, ông Long cho hay.
Theo tâm sự của nông dân tham gia SX trong CĐL, ngoài tiếp thu được các tiến bộ KHKT, họ còn có thêm lợi nhuận gia tăng từ việc bao tiêu lúa giống của TCty Giống cây trồng Thái Bình với phương thức thu mua 1kg = 1,25kg.
Chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Tân Hội, xã Phước Hưng cho biết: “Gia đình tui làm 5 sào, vụ này ước tính thu hoạch được gần 1,8 tấn lúa giống, sau khi trừ chi phí chắc chắn còn lãi khoảng 60%, hơn 8 triệu đồng, cao hơn SX lúa thịt nhiều lần”.
Nỗ lực của cả hệ thống chính trị
Bắt đầu triển khai CĐL với thực trạng ruộng nương manh mún, có đến 450 nông hộ làm chủ thể, để quy về 1 mối “3 cùng” là điều chẳng hề dễ dàng. Từ Đảng ủy, chính quyền, các hội đoàn thể của xã Phước Hưng đã phải nhập cuộc ráo riết trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thì CĐL đầu tiên của tỉnh Bình Định mới được hình thành.
Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, CĐL được xây dựng trên địa bàn 2 thôn Lương Lộc và Tân Hội, mỗi thôn 50ha với 225 hộ nông dân tham gia. Lúc đầu triển khai, không phải tất cả hộ nông dân đều đồng thuận, do đó phải vận động đến mướt mồ hôi.
Ông Phan Văn Chăm, Trưởng thôn Lương Lộc nhớ lại: “Mới bước đầu ra vận động chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, bởi xưa nay nông dân đã quen với tập quán ruộng ai nấy làm, muốn làm sao tùy ý; việc cùng gieo sạ 1 giống, sử dụng 1 loại phân, gieo sạ cùng ngày và trong quá trình SX áp dụng cùng quy trình chăm sóc là còn rất xa lạ đối với họ. Ban lãnh đạo thôn đã phải thường xuyên mời bà con họp thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất. Bây giờ, bà con đã nhận ra tham gia vào mô hình CĐL không những họ được hiểu biết thêm về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến mà hiệu quả kinh tế còn tăng cao nên ai cũng phấn khởi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công tác vận động nông dân tham gia vào mô hình CĐL ở xã Phước Hưng không hề có sự áp đặt, mà rất dân chủ, chủ yếu là làm sao cho nông dân hiểu ra vấn đề khi áp dụng quy trình SX tiên tiến sẽ hạn chế được sâu bệnh hại, tăng năng suất, khi bán sản phẩm thì giá trị được tăng thêm 25%, lợi nhiều mặt...
“Khi đi vận động chúng tôi cũng gặp những hộ gây khó, không đồng ý tham gia mô hình CĐL, vì họ nghĩ sẽ không mang lại lợi ích gì lớn. Chúng tôi phải nói rõ, khi bán 100kg lúa Cty sẽ thu mua thành 125kg. Ngoài ra, sạ hàng còn làm giảm chi phí lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, giảm nước tưới nên lợi nhuận trên cùng diện tích sẽ được tăng cao”, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Tân Hội chia sẻ.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành “dồn điền nhập thửa” theo kiểu phá những bờ nhỏ để nhập lại thành thửa ruộng lớn, nhỏ nhất cũng 5ha. Ranh giới của những bờ nhỏ sẽ được đóng cọc giăng dây như nguyên trạng, nhưng khi đã thành thửa ruộng lớn thì việc áp dụng cơ giới hóa vào SX và khâu thu hoạch sẽ được thuận lợi, giá thành đầu vào sẽ giảm, nông dân có lãi hơn”, ông Trần Tăng Long.
Nguồn: bannhanong.vn