“Cánh đồng lớn” giúp giải bài toán khó trong nông nghiệp

“Cánh đồng lớn” giúp giải bài toán khó trong nông nghiệp
Vật tư nông nghiệp được ứng trước từ đầu vụ, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, lúa thu hoạch xong có ghe đến tận nơi thu gom, giá bán và thời điểm bán do nông dân quyết định… là câu chuyện mà trước đây những người trồng lúa bình thường ít dám nghĩ đến. Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã trở thành hiện thực khi mô hình “Cánh đồng lớn” ra đời...

Cái gì cũng “thật”:

Ông Ngô Minh Cảnh, nông dân huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), hiểu rất rõ nỗi cơ cực của người làm ra hạt lúa, lại bị tư thương ép giá. Liên tục 4 vụ lúa tham gia liên kết với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), ông Cảnh như gỡ được mối thắt trong lòng và tự tin đăng ký tham gia vụ mùa thứ 5. “Lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu đều do công ty cung ứng, không phải lo hàng giả, hàng kém chất lượng. Đội ngũ kỹ sư được tuyển chọn, huấn luyện bài bản… Năng suất lúa đạt cao hơn trong khi chi phí sản xuất giảm. Dù thu hoạch trong điều kiện thời tiết mưa bão cũng không phải lo đầu ra bởi công ty cho ghe vào tận nơi thu gom, đưa về nhà máy Tân Hồng để sấy khô và lưu kho miễn phí. Khi nào tôi chọn được giá,  đồng ý bán thì chỉ việc đến nhận tiền. Tôi thấy rất yên tâm khi tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” của công ty, bởi cái gì cũng “thật”, chỉ có điều giá bán là “chưa thật” vì hạt lúa làm ra đạt chất lượng cao trong khi giá bán cũng tương đương với các loại lúa thường khác”, ông Cảnh phân tích. Ông Cảnh cho rằng, để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, trong khi nông dân lo làm ra hạt lúa đạt chất lượng, doanh nghiệp lo đầu ra thì Nhà nước phải lo xây dựng thương hiệu.

Còn đối với nông dân Nguyễn Văn Cường, xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), việc tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” của AGPPS giúp ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu. “Trước đây, khi canh tác lúa, tôi thường sạ phân, phun thuốc tùy tiện. Từ khi được nhân viên kỹ thuật của công ty hướng dẫn tận tình, tôi đã tiết kiệm được những loại vật tư không cần thiết. Đồng thời, lúa làm ra có ghe đến tận nơi thu gom, đem về nhà máy sấy khô, không phải tốn tiền mua lưới cước, cao su, thuê người phơi lúa… Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 3 triệu đồng/héc-ta so với canh tác trước kia trong khi năng suất và chất lượng lúa tốt hơn nhiều”, ông Cường phấn khởi. Ngay trong vụ hè thu này, dù đã trừ tiền thuê đất 1 triệu đồng/công, ông Cường vẫn còn lời 600.000 đồng/công trong khi có nhiều nông dân thua lỗ.

Cần hỗ trợ thêm đầu vào:

Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc AGPPS, cho biết, đến năm 2013, công ty đã đưa vào hoạt động 5 nhà máy và đang tiếp tục xây dựng 2 nhà máy khác ở các tỉnh ĐBSCL, với công suất sấy đạt 6.000 tấn lúa/ngày. Đồng thời, công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu với tổng diện tích 67.100 héc-ta, thu hút 21.200 hộ nông dân tham gia. Dự kiến năm nay, công ty sẽ thu mua 408.000 tấn lúa trong các vùng nguyên liệu. Trong đó, có 380.000 tấn lúa hàng hóa và 28.000 tấn lúa giống.

Theo tính toán của AGPPS, khi tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, nông dân có thể tiết kiệm bình quân 1.236 đồng/kg lúa tươi, gồm: Năng suất, vật tư nông nghiệp, bao chứa lúa, công phơi sấy, phí gởi kho, bốc vác, vận chuyển… Trong khi Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo lợi nhuận tối thiểu của nông dân trồng lúa từ 30% trở lên thì với nông dân tham gia “Cánh đồng lớn” những vụ gần đây, lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư dao động từ 119 – 183%. Cùng với nâng cao dân trí, đảm bảo lợi ích cho người nông dân thì khi xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu”, bản thân AGPPS cũng được hưởng nhiều lợi ích. Trong đó, với việc tổ chức vùng nguyên liệu, đơn vị được kiểm soát từ giống đến chế biến nên gạo luôn có chất lượng cao, ổn định, độ thuần chủng cao (tối thiểu 90%). Từ “đặt hàng” nông dân sản xuất, AGPPS đã xây dựng được thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời để tiêu thụ nội địa, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, không đấu trộn với bất kỳ loại gạo nào khác. Ngoài ra, công ty còn nghiên cứu thành công gạo VIBIGABA, được sản xuất từ gạo mầm nguyên phôi, rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường, ăn kiêng và huyết áp cao. Đối với việc xuất khẩu, nhiều thị trường cao cấp trên thế giới cũng đánh giá cao gạo của Công ty, như: Mỹ, Úc, Newziland, Dubai, Singapore, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan… Đến nay, công ty đã phát triển được 1.017 cán bộ “3 cùng” (trước đây gọi là cán bộ FF), thực hiện việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình  canh tác từ khâu làm đất, xử lý giống đến quá trình thu hoạch của nông dân. Lực lượng này còn hướng dẫn nông dân ghi chép Nhật ký đồng ruộng, ghi lại toàn bộ quá trình sử dụng vật tư, xử lý dịch hại trong quy trình sản xuất nhằm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong chuyến thăm Công ty TNHH một thành viên Lương thực Thoại Sơn của AGPPS, đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao hiệu quả mô hình mà AGPPS triển khai, góp phần ổn định tâm lý và tăng lợi nhuận cho nông dân. Qua đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh tham gia cùng công ty triển khai thêm các mô hình hợp tác sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, thời gian tới, AGPPS sẽ nghiên cứu thành lập hợp tác xã (HTX) tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, lựa chọn nông dân có uy tín tham gia vào Ban Chủ nhiệm để điều hành hoạt động của HTX. Qua đó, càng giúp nâng cao hiệu quả cũng như nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”…

 

Theo An Giang Online