Canh tác bền vững trên vùng đất phèn, mặn
- Thứ sáu - 25/11/2016 02:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông Lê Hoàng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, so với một số địa phương lân cận khác, vùng đất Long Mỹ có những đặc thù riêng, nhất là đất đai bạc màu, nhiễm phèn, thường xuyên bị xâm nhập mặn. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp, chính quyền địa phương vận động và khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa, đất kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp sang trồng cây có múi. Nhờ vậy, đến nay, huyện Long Mỹ đã cơ bản hình thành một số mô hình hiệu quả như: mãng cầu gai, bưởi da xanh, nuôi bò sinh sản, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa... mang lại hiệu quả cao.
Xã Vĩnh Viễn A được xem là nơi đang nổi lên phong trào nuôi bò vỗ béo, tiến xa hơn là nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Đào Trường Giang, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Nuôi bò là mô hình kinh tế hay, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa hạn chế nhiều rủi ro, mang lại nguồn thu nhập kinh tế cao. Vì vậy, tôi đã bỏ ra trên 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 7 con bò lai Sind, trong đó có 1 con bò cái cho sinh sản. Hiện đàn bò phát triển tốt, hứa hẹn năm sau sẽ có lợi nhuận không dưới 10 triệu đồng/con”.
Ông Bùi Tiền Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, thông tin: Với lợi thế dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ mạnh, việc nuôi bò nhốt chuồng ở đây dần nở rộ. Qua hơn 1 năm phát triển, đã có 14 thành viên tham gia mô hình, với hơn 90 con bò giống các loại như: Babê, lai Sind… Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với việc thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường tự nhiên. Vì thế, thời gian tới, người dân địa phương đang có hướng nhân rộng bằng cách lên vùng Trà Vinh, Bến Tre bắt thêm bò cái về nuôi nhằm phát triển theo hướng sinh sản.
Đối với mô hình trồng mãng cầu gai tháp bình bát ở xã Thuận Hòa, Lương Nghĩa cũng đầy tiềm năng phát triển. Ông Cao Văn Hoàng, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, chia sẻ: “Trước đây, địa phương chủ yếu trồng lúa nước và nuôi cá vèo nên đời sống nhiều người dân không mấy khấm khá. Thế nên, không ít hộ chuyển sang trồng cây ăn trái, nhưng chỉ có cây mãng cầu gai là chịu được độ phèn, mặn của đất và cho năng suất cao. Thấy vậy, tôi mới phá bỏ vườn tạp trồng mãng cầu, cuộc sống bây giờ đã ổn định hơn trước. Trung bình, 3 công mãng cầu của gia đình cho năng suất từ 5-7 tấn trái/năm, kết hợp với làm hơn 4 công ruộng, thu lãi trên 60 triệu đồng/năm”.
Anh Trần Hoài Phong, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, cho rằng ở vùng đất này vào mùa khô, tháng hạn thì nước ngọt sử dụng rất hiếm nên độc canh cây lúa không thể bám đất bám vườn được. Vì vậy, anh mạnh dạn chuyển đổi trồng hết 18 công mãng cầu, đồng thời liên kết với một số công ty, doanh nghiệp để thu mua sản phẩm. Chỉ riêng những ngày cuối năm, cơ sở của anh thu vào hơn 2 tấn mãng cầu gai/ngày, giá cả thì theo thị trường. Do đó, người dân ở đây, thấy đầu ra ổn định nên hăng say chuyển đổi trồng theo, từ đó cải thiện được cuộc sống gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ Lê Hoàng Thái nhấn mạnh: Tới đây, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả và lồng ghép, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Song, kết hợp với việc thành lập các vùng chuyên canh sản xuất, đặc biệt là có quy hoạch xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp địa phương như: lúa gạo, trồng trọt, chăn nuôi. Có thể nói, đây là cơ hội tốt để tiến đến thành lập chuỗi sản xuất nông nghiệp liên hoàn, đảm bảo đầu ra, hạn chế rủi ro trong sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của tỉnh.
Theo Báo Hậu Giang