Cây ném xứ cát

Những trảng cát mênh mông ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, TT-Huế) cứ ngỡ là vùng đất hoang hóa. Thế nhưng, từ khi cây ném được triển khai trồng tại đây đã mang lại cho bà con nông dân một nguồn thu lớn…
Trồng ném xen thêm cây môn sáp để giữ đất, đồng thời cho thêm thu nhập
Lãi gấp 10 lần lúa Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền bảo rằng: “Ở xứ cát này, không cây gì kinh tế bằng cây ném. Trồng ném lãi gấp chục lần trồng lúa”. Ra tận chân ruộng các thôn Triều Dương, Vịnh Nãy, Bắc Thạnh mùa này, thương lái nhiều nơi đổ về tận chân ruộng để thu mua cây ném. Nông dân Phong Hiền “mừng ra mặt” khi một năm cây ném được mùa. Ông Lê Đang (thôn Bắc Thạnh) cho biết: “Trước đây trên vùng cát ni chỉ trồng được môn, sắn cũng chỉ để ăn trong gia đình. Từ khi bà con triển khai cây ném mang lại thu nhập cao hẳn. Một sào lãi 10 - 14 triệu đồng (tùy giá từng thời điểm) mà ít công chăm sóc, tốn nước tưới cùng thuốc phân”. Hộ ông Đang trồng 2,5 sào ném, bình quân thu được 2 tạ ném/sào, với giá hiện nay giao động từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, thời cao điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg ném, mỗi sào sau khi trừ chi phí tiền giống 1 triệu đồng, ông Đang thu lãi trên dưới 14 triệu đồng. Ngoài diện tích canh tác chính, người dân Phong Hiền đã tận dụng ở vùng cát, cải tạo nương vườn để phát triển thêm cây ném. Đặc biệt, trong quá trình trồng ném, bà con vùng cát còn dặm thêm cây môn sáp để giữ đất và xen giữa thêm cây sắn, tăng hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích. Tầm tháng 3 - 4 thu xong ném lá thì đến tháng 7 - 8 là thu hoạch cây sắn. Ông Nguyễn Văn Thẻo (thôn Vịnh Nãy) cho hay: “Ném ở Phong Hiền được bán theo hai dạng là bán cây và bán củ. Ném cây thì trồng 1 năm được hai vụ, chỉ vài tháng là thu, còn ném củ để cho cây già đi, thu hoạch củ nên loại này giá thành rất cao, có thời điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg”. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền, cây ném trên địa bàn huyện là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, bình quân thu được 120 triệu đồng/ha. Hiện, toàn huyện có khoảng 120 ha, tăng 27 ha so với năm 2014. Đến cuối năm 2015, điện tích cây ném đã phát triển thêm 30 ha, đạt 150 ha so với kế hoạch đề ra. Theo tính toán của ông Thẻo, với 2,5 sào ném, mỗi năm ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với trồng sắn, lúa bởi ít công, phù hợp với vùng cát, ít cần nước tưới. Suốt quá trình trồng, cây ném chỉ bơm thuốc một lần đầu vụ nếu xảy ra dịch bệnh. Người dân Phong Hiền có cách bảo quản ném củ rất hiệu quả, giữ được lâu không hư. Khi thu hoạch xong, ném được làm sạch đất cát, mang về nhà bỏ lên bạt, sập gụ phía dưới trải một lớp cát khô khoảng 5 phân để chống ẩm. Người dân cũng ứng dụng phương pháp bảo quản này để duy trì giống cây ném cho mùa vụ sau. Nhân rộng mô hình Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Hiền đánh giá: “Cây ném trồng ở địa phương đã có từ lâu, nhưng thực sự đi vào “nề nếp”, bà con sản xuất bài bản khi mô hình trồng ném được Trạm Khuyến nông- lâm- ngư triển khai từ tháng 6/2015. Ngoài được sự hỗ trợ 250 nghìn/sào, bà con được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như bảo quản”. Người dân Phong Hiền thu nhập khá cao từ mô hình trồng ném Theo ông Hợp, triển vọng từ mô hình trồng ném rất lớn bởi sản phẩm cây ném trồng trên xứ cát Phong Hiền hương vị thơm nồng, ném để lâu hỏng. Bà con rất yên tâm sản xuất bởi đầu ra nguồn nông sản này không chỉ được bán rất nhiều ở các chợ trên địa bàn trong và ngoài huyện như Phò Trạch, An Lỗ, Nịu mà còn được thương lái vào tận chân ruộng thu mua, bà con không phải tốn chi phí vận chuyển. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thông tin: “Hiện nay toàn xã có hơn 13,5 ha ném của hơn 110 hộ dân tham gia trồng. Trước hết, mô hình trồng ném đối với địa phương đã giải quyết được vấn đề chọn cây trồng phù hợp trên vùng cát, nâng cao hiệu quả canh tác, sử dụng đất bằng việc trồng dặm thêm nhiều loại cây trồng khác. Vì thế, trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện về tập tuấn kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các hộ dân nhân rộng mô hình này”....
Nguồn: nongnghiep.vn