“Chảo lửa” giữa miền Trung (bài 4): Hương Khê, “ruộng nẻ, chè khô”
- Thứ tư - 17/06/2015 22:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
>> Bài 3: Thiêu rụi những cánh rừng
Hạn nơi “rốn lũ”
Nhắc tới Phương Mỹ, ai cũng biết đây là vùng “rốn lũ”, nhưng bây giờ bước chân tới xứ này, tôi cứ tưởng mình đang đứng trong chiếc “chảo lửa” khổng lồ. Bốn bề ngun ngút nắng, ao hồ cạn trơ đáy, gió lào phả hơi nóng vào người, vào đất, vào cây, tất cả đều khô héo và teo tóp. Vừa tới đầu làng Thượng Sơn, tôi đã bắt gặp bóng những người nông dân choàng áo tơi đang cặm cụi trong cái nóng hầm hập trên ruộng lạc lá vàng úa. Bà Thanh cắt vội những khóm lá lạc trên thửa đất của mình rồi giơ cao lưỡi cuốc bổ vào đất.
Khi gặp đoàn khách xa tới, bà ngừng cuốc tâm sự: “Chưa khi mô phải bới lạc theo kiểu ni cả. Từ xưa tới nay, chúng tôi thu hoạch lạc xuân chỉ quen nhổ, vậy mà, giờ phải đào toát mồ hôi. Đất khô cứng vì cả tháng ni nắng nung khiếp quá”. Bà Thanh băn khoăn: Thu hoạch theo kiểu ni, không chỉ bà mà nhiều gia đình khác dù đào khéo đến mấy lạc cũng dễ đứt chùm, củ dính lại trong đất. 2 sào lạc, năm ngoái, bà thu hoạch gần 3 tạ nhưng năm nay, cũng ngần ấy diện tích chỉ thu hoạch được xấp xỉ 1 tạ. Bà Thanh lo canh cánh nắng hạn hoành hành, đất bà phải “treo” lại chẳng thể nào trồng đậu vụ hè thu được.
Vũ Quang gồng mình chống chọi với nắng hạn. Ảnh: Bích Hường |
Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - Nguyễn Hồng Quân cho hay: “Giá như năm nay không gặp đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hàng tháng, dân ở đây cũng gieo trồng được hàng chục ha đậu ăn chắc rồi. Bọn tui đang lo năm mô hạn càng nặng thì lũ lụt lại càng lớn, đất ni thuộc “đất chín khúc”, trời sinh ra để đựng lũ mà”.
Tôi theo chân một cán bộ nông nghiệp xã Phương Mỹ thị sát một vòng ở vùng đồng khô, cỏ cháy của xứ sở này. Từ làng trên xuống thôn dưới, kênh ngang, mương dọc đều “bói” không ra một giọt nước. Nhiều thửa ruộng, đất bạc màu trắng phau; có những thửa đất, nắng nung đỏ như gạch. Một đầm nước sâu ở làng Ấp Tiến, nơi trẻ em thường hay túm tụm đứng câu cá nhưng bữa nay, may mắn lắm còn đường viền cỏ xanh. Dưới đáy đầm, lom khom mấy người đàn ông mặc quần cộc đang cố dùng xẻng đào đất bùn về đắp cho cây vườn nhà. Tôi đi sâu vào từng lối ngõ, nhà nào trâu, bò cũng nhốt chuồng.
Tôi hỏi chị Vân: “Nắng thế, việc chăm sóc trâu, bò ra sao?”. Chị Vân bảo: “Bữa ni, cỏ ngoài đồng cháy hết, các hộ đều cho trâu, bò nằm nghỉ tại chuồng. Có lá cây gì ăn được thì cho nó ăn, bí quá thì cho ăn rơm rạ. Gia đình em cố gắng không để trâu chết khát vì vốn liếng đổ cả vào đây. Con trâu này trước ai cũng khen béo đẹp nhất xóm, nhưng 2 tháng nay, nó gầy hẳn”. Anh Thành - chồng chị Vân cho biết: “Hạn quá nên hiện tại ở Phương Mỹ, cả người và trâu đều phải nghỉ cày, cuốc. Mấy thanh niên đi làm phu nề hoặc chạy hàng buôn bán; các ông già, bà lão chỉ biết ngồi gốc cây hóng mát mà ăn chẳng được, ngủ cũng không xong. Có bữa, tôi vừa chợp mắt đã thấy gà đập cánh báo sáng”.
Tôi ra bến nước Mỹ Đình sông Ngàn Sâu - bến nước thân thuộc nhất của xứ sở này, cúi xuống vốc một ngụm, thấy nước sông nóng như đun. Chiếc cầu phao trên bến chẳng thấy một bóng người qua lại. Những phiến tre, gỗ nung nắng bạc phếch, nứt nẻ những đường dài như tia chớp. Dưới chân cầu, 2 con cá chép nhỏ đang lừ đừ bơi và thở thoi thóp, một con cá quả chết phơi trắng bụng. Mắt tôi bỗng dưng tối sầm vì nắng lóa khi bước qua cây cầu để sang phía bên kia chợ Hôm. Chợ vắng tanh, vắng ngắt, trong quầy chỉ vài người bán hàng tạp hóa ngồi ê ẩm chờ khách. Đình chợ trống hoác vì thiếu cây xanh, những mái lá cọ khô cong và kêu lạch phạch khi gió lào rượt tới.
Đồi chè cháy khô
Ai đã từng tới Hương Trà chắc hẳn sẽ rất thích thú khi nhìn những cánh đồng chè xoáy trôn ốc, chạy dài tít tắp dưới bầu trời xanh bao la . Người dân nơi đây tự hào về vựa chè lớn nhất Hà Tĩnh. Chính lợi thế tiềm năng này đã tạo nên “cú hích” để Hương Trà làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hương Trà đã được quy hoạch 192 ha đất trồng chè với 2 loại giống chủ lực là PH1 và VDP2.
Trong giai đoạn đầu sẽ quy hoạch vùng trọng điểm tại xóm 4 và xóm 7 với mục tiêu xây dựng 30 ha chè mẫu. Chuyện làm ăn của người dân đang phơi phới như chè tủa búp, khi đầu ra sản phẩm được nông trường bao tiêu. Không ít hộ đã nhận cả ha đất để trồng, chăm sóc và thu hái chè. Chị Dương Thị Khánh tâm sự: “Dạo trước, tham gia cánh đồng mẫu chè, gia đình em thu nhập mỗi năm gần 40 triệu đồng. Nếu mưa thuận, gió hòa, mỗi ha chè thâm canh tại vùng này cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng”. Nhưng đúng như lời cổ nhân: “Làm ăn chẳng ai tính được chuyện trời”. Trận hạn thế kỷ năm 2015 xẩy ra trên đất Hương Khê khiến cả người dân và nông trường một phen điêu đứng.
Nắng nóng gay gắt kéo dài làm chết khô nhiều diện tích chè của Xí nghiệp chè 20/4 ở xã Hương Trà (Hương Khê)… |
Tôi đặt chân tới Hương Trà, tuy đã 4h chiều nhưng cả vùng đất Hương Khê vẫn bị nắng nóng bủa vây. Đến trụ sở nông trường, tất cả đều cửa đóng, then cài. Tôi hỏi cậu bảo vệ và được biết, ông Minh - Giám đốc đang cùng dân tưới chè ngoài đồi. Tôi tất tả đi tìm, vừa thấy bóng tôi, ông Minh lớn tiếng gọi: “Bác lại đây chứng kiến thảm cảnh chè cháy này”.
Tôi hỏi:
- Bao nhiêu diện tích chè bị cháy rồi?
- Hiện đã cháy mất 50 ha, nếu nắng nóng kéo dài, diện tích chè cháy sẽ lớn hơn nhiều.
- Thế thiệt hại lớn không?
- Chúng tôi chưa thống kê hết, nhưng con số thiệt hại phải lên tới hàng tỷ đồng. Lo nhất là không đủ nguyện liệu để nhập cho khách hàng nước ngoài.
Trước khung cảnh này, tôi không còn nghĩ tới vị chát ngọt và hương thơm thoang thoảng của chè ở xứ này nữa mà thấy lòng mình như se lại khi nhìn cây nào cây nấy lá cháy khô. Một cán bộ kỹ thuật đơn vị cho biết thêm, phần lớn diện tích chè cháy đều thuộc nhóm mới trồng từ 2-3 năm nay.
Khi chiều vừa dịu nắng, mọi người đổ xô ra đồi chè. Trong thời điểm khắc nghiệt này, cả người dân và cán bộ, công nhân nông trường không ai chịu bó tay nhìn chè chết. Máy bơm nước cỡ lớn, cỡ nhỏ đều được nông trường và chính quyền địa phương huy động tối đa. Bao nhiêu hồ đập có thể kết nối được đều trở thành những dòng nước mát giúp cánh đồng chè nguôi cơn khát quay quắt. Đi dọc các đồi chè, tôi chứng kiến nhiều người dân đưa cả can nhựa, thùng, xô, gánh nước từ dưới hồ sâu lên để tưới cho chè. Nhiều chiếc thùng phuy sắt, phuy nhựa lớn dựng thành hàng giữa luống chè để dự trữ nguồn nước. Không ít người dân Hương Trà đã thức trắng đêm với đồng chè. Một người đàn ông tên Huy (xóm Tiền Phong) đã đeo bám nghề chè hơn 3 thập kỷ, tâm sự: “Gia đình em vừa trồng chè, vừa chăn nuôi bò. Năm ni, tưởng cả 3 ha chè bén đẹp, búp nhiều thì sẽ có tiền trả lãi ngân hàng khoản vốn vay để chăn nuôi. Nhưng đùng một cái, 1 ha chè bị nắng đốt khô, còn 2 ha nữa, vợ chồng đang gắng sức tưới”.
Đứng trên “đỉnh” hạn
Nếu đi cùng 21 xã và thị trấn huyện Hương Khê, dẫu có “phép thần biến hóa” cũng không thể nào tránh được nắng lửa và gió lào. Trông xuống Hòa Hải, nắng đốt cháy cả bờ cọ; nhìn lên Lộc Yên, giếng đào sâu hơn chục mét đã cạn khô, nhà nọ dành cho nhà kia từng gàu nước quý hiếm, mới thấy cơn khát ở Hương Khê đã lên tới đỉnh điểm. Ngoài thế mạnh cây chè, đây còn là xứ sở bưởi Phúc Trạch ngon nổi tiếng. Nhưng hạn này, những quả bưởi còn đậu được trên cây nhỏ quắt chẳng khác gì quả bóng bàn, nhiều cây khác quả đã rụng cuống ngay từ tuần nắng gắt đầu tiên. Hàng trăm ha cao su đang xanh lá, nhưng thật oái oăm, người trồng cao su mong cây tích tụ nhiều nhựa thì trận hạn kéo dài này lại hút cạn dòng nhựa cây.
Máy bơm hoạt động hết công suất nhưng những đồi chè ở Hương Khê vẫn chết cháy vì khô hạn |
Ông Đinh Hữu Tân - Bí thư Huyện ủy Hương Khê cho biết: “Đợt hạn thế kỷ này, người dân Hương Khê rất vất vả, nhưng cán bộ ở đây cũng vất vả không kém. Đứng trên “đỉnh” hạn, chúng tôi đang có nhiều nỗi lo: lo thiếu nước tưới cho ruộng, lo nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Cái lo thường trực nữa là lo cháy rừng”. Đúng thế, bởi Hương Khê hiện có 147 công trình hồ đập lớn, nhỏ, nhiều hồ như Khe Mui (Hương Lâm), Mục Bài (Hương Xuân), Khe Trẹ (Phú Gia), Ông Vờm (Lộc Yên) đều đang trong tình trạng “mực nước chết”. Đập nước Sông Tiêm - một công trình thủy lợi được xây dựng khá kỳ công, tạo nguồn sinh thủy nuôi hàng trăm ha ruộng trên đất Hương Khê, nhưng bữa nay, “bầu sữa nước” này đang cạn dần.
Dẫu vẫn biết thời khắc này, cả huyện Hương Khê, mỗi người dân là một người lính xung kích bảo vệ rừng, huyện đã chủ động xây dựng các cụm “phòng tuyến” chặt chẽ PCCC rừng, không kể ngày đêm, cán bộ kiểm lâm đứng kiên nhẫn trên chòi canh lửa nhưng tôi vẫn chưa hết nỗi lo khi từng đợt gió lào lại rú lên giữa cánh rừng trùng trùng, điệp điệp.
Tháng 6/2015
Phan Thế Cải