Chủ động phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi trong mùa nắng nóng
- Chủ nhật - 27/05/2018 21:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiêm phòng vắc-xin dại cho chó tại xã Giao Long (Giao Thủy). |
Những năm gần đây, đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao do nhiều hộ kinh doanh nuôi chó, mèo dùng làm thực phẩm. Hiện đàn chó trong tỉnh đã lên tới gần 265 nghìn con, chủ yếu được nuôi theo hình thức thả rông. Chó bị mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại rất khó phát hiện sớm, chỉ khi lên cơn dại chạy rông, cắn người thì mới biết đã bị mắc bệnh dại. Mặt khác, khi phát hiện chó mắc bệnh dại, người dân thường không báo cáo cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y biết, cho nên không thể thống kê được số lượng chó mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại, gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng ngừa bệnh. Mặc dù không gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng bệnh dại lại gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Trong năm 2014, bệnh dại trên đàn chó phát sinh tại xã Trực Cường (Trực Ninh). Đáng chú ý là chó của 8 gia đình đã cắn 13 người, trong đó có 1 người tử vong, có 1 con bị chết không rõ nguyên nhân và 2 người trực tiếp làm thịt ăn. Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế. Hiện nay, nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dại là rất cao do tình trạng nuôi chó thả rông còn phổ biến, nhất là địa bàn nông thôn, trong khi tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó hằng năm đều thấp. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong đợt tiêm phòng vụ xuân vừa qua, toàn tỉnh mới chỉ tiêm vắc-xin dại cho 46.474 con chó, đạt 37,2% kế hoạch. Một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm thấp như: Ý Yên 30,1%, Giao Thủy 26,7%, Mỹ Lộc 14,1%... Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng cho chó thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do nhiều hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh dại cũng như tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Việc chỉ đạo thực hiện tiêm cho chó ở các địa phương khó hơn tiêm cho các vật nuôi khác khi nhiều hộ dân không hợp tác. Mặc dù có đủ chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ, nhưng đến nay, hầu hết địa phương chưa xử lý được các trường hợp chủ hộ không chấp hành tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó. Do tâm lý chủ quan trước nguy cơ bệnh dại và ý thức bảo vệ an toàn cho cộng đồng của người nuôi chó còn kém nên mặc dù chi phí tiêm vắc-xin dại chỉ 15-20 nghìn đồng/mũi (cả thuốc và công tiêm) nhưng nhiều người nuôi chó cũng không đưa chó đi tiêm. Trong khi đó, chính quyền nhiều địa phương cũng thực hiện quản lý đàn chó chưa tốt, chưa chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng bệnh dại; chưa bố trí các điểm tiêm tập trung. Thực tế cho thấy, ở một số địa phương, khi chính quyền chỉ đạo quyết liệt, thì tỷ lệ tiêm vắc-xin bệnh dại thường đạt rất cao. Tiêu biểu như các xã: Xuân Kiên (Xuân Trường) 95%; Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) 90%, Trung Thành (Vụ Bản) 85%... Là địa phương có bệnh dại xảy ra trên địa bàn (năm 2014) nên công tác tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho đàn chó được huyện Trực Ninh đặc biệt quan tâm. Nhiều xã, thị trấn đã tổ chức tranh thủ tiêm phòng vào sáng sớm, buổi trưa, buổi chiều tối; thứ 7 và chủ nhật thuận tiện cho chủ nuôi chó nên đã nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Trong vụ xuân 2018, toàn huyện tiêm vắc-xin dại được 6.050 con chó; phấn đấu vụ thu tiêm phòng 5.000 con; đưa tỷ lệ cả năm đạt hơn 40% tổng đàn. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trực Ninh cho biết: Để tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền; chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc. Cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức đoàn thể của địa phương cần nêu gương, chấp hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình trước, trên cơ sở đó vận động các hộ chăn nuôi cùng thực hiện. Tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin dại theo Nghị định số 90 của Chính phủ. Vụ xuân 2018, tỷ lệ tiêm vắc-xin dại cho đàn chó của huyện Nam Trực cũng cao hơn so với mọi năm. Toàn huyện tiêm được 6.740 con, đạt 45% kế hoạch. Đồng chí Hoàng Thị Nhài, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Trạm đã chủ động phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng tại các xã, thị trấn, cùng mạng lưới thú y cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành. Các xã quan tâm chỉ đạo đạt tỷ lệ tiêm phòng khá như: Nam Hồng, Đồng Sơn, Nam Dương, Nam Tiến, Điền Xá, Hồng Quang…
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại ở người và động vật, nguy cơ gia tăng bệnh dại trong mùa nắng nóng, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát động “Tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại”, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của bệnh dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng. Từ thực trạng tâm lý chủ quan và ý thức về bệnh dại của người nuôi chó còn hạn chế thì vai trò tác động của cộng đồng dân cư nơi có hộ nuôi chó là hết sức quan trọng, phải thống nhất lên tiếng, tạo dư luận xã hội buộc người nuôi chó phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn, phòng chống bệnh dại. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế các trường hợp động vật nghi mắc bệnh dại để xử lý kịp thời. Hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế điều trị vết thương, điều trị dự phòng, ngăn ngừa tử vong do bệnh dại. Quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện việc khai báo, đăng ký chó nuôi; chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, có dây xích và có người dắt. Tiếp tục tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại cho đàn chó tập trung theo từng cụm dân cư, đồng thời thường xuyên tiêm bổ sung hằng tháng cho chó, mèo để duy trì tỷ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, lây lan trên chó, mèo nuôi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh/baonamdinh.com.vn