Chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, những tháng cuối năm 2016, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện mưa, rét đậm, rét hại và độ ẩm cao.

Các địa phương vùng Tây Bắc đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, giảm thiệt hại và bảo đảm phát triển chăn nuôi. 

Trời rét đậm, rét hại, vật nuôi phải được giữ ấm, không nên cho ra ngoài.

Giữ ấm chuồng trại

Vài năm trở lại đây, mỗi khi bước vào mùa đông, người dân ở Thái Nguyên lại lao đao bởi những đợt rét đậm, rét hại, bởi những thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng. 
 
Điển hình như trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, toàn tỉnh đã có 102 con trâu, bò, lợn và 232 con dê bị chết do thời tiết. Nhiều gia đình vừa thoát khỏi cảnh nghèo lại trở về đói nghèo do thiên tai. 

Mới bắt đầu vào mùa đông năm nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương; thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống đói rét. 
 
Trong đó, chú trọng các xã có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, dịch bệnh. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình bà Mạc Thị Sáu, ở xóm Cầu Đá, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) nuôi hơn 7.000 con gà. Gia đình đã chủ động dùng bạt quây kín quanh và dùng bóng điện thắp sáng để sưởi ấm cho đàn gia cầm trong những ngày trời rét đậm. Bà Sáu chia sẻ: “Vào mùa đông lạnh, gia đình tôi cho gà ăn đủ chất và lượng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; bổ sung thêm đường gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng”.

Theo hướng dẫn phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi của cán bộ thú y địa phương, các hộ gia đình chăn nuôi ở Thái Nguyên đã dự trữ rơm rạ, cho bò ăn thêm bột ngô, sắn, cám và cho uống nước muối ấm để cung cấp đủ dinh dưỡng. 
 
Ông Dương Văn Cúc, một hộ dân ở xóm Trại, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thì cho biết: “Nhà tôi có 3 con bò, là cả cơ nghiệp của gia đình. Vì thế, những ngày trời rét đậm, tôi gia cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo đủ ấm, không để gió lùa, mưa hắt làm ướt nền chuồng. Tôi cũng dự trữ sẵn củi, trấu để đốt, sưởi cho đàn bò và không chăn thả ngoài trời, không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C”. 

Tại tỉnh Lai Châu, bước vào mùa đông năm nay, cán bộ thú y đã vận động, hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Gia đình ông Khoàng Văn Kẻo, dân tộc Thái ở bản Phiêng Luông 1, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 3 con trâu và 3 con bò. Vào mùa đông, gia đình ông đã được cán bộ thú y tuyên truyền, hướng dẫn che chắn chuồng trại chống rét cho đàn gia súc, dự trữ thức ăn đề phòng và không thả rông gia súc, nhất là trong những ngày mưa rét. Do đó, trải qua nhiều đợt giá rét, đàn gia súc của các gia đình ông Kẻo vẫn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. 
 
Ông Khoàng Văn Kẻo cho biết: “Cán bộ thú y huyện, xã thường xuyên tuyên truyền cho bà con chúng tôi biết cách phòng chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông. Thời tiết rét đậm, gia đình tôi che chắn chuồng trại và chuẩn bị nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn trâu ăn”. 

Cùng nhiều giải pháp

Xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có tổng đàn gia súc hơn 5.814 con. Cán bộ xã đã xuống các bản vận động bà con làm chuồng trại kiên cố, không thả rông gia súc vào những ngày rét đậm, rét hại. 
 
Ông Khoàng Văn Hóa, cán bộ thú y xã Nậm Hàng cho biết: “Xã phối hợp với Phòng NN & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn bà con cách thu gom rơm rạ, cách che phủ bạt, khuyến khích người dân trồng cỏ voi, trồng ngô để tăng thêm nguồn thức ăn cho gia súc. Xã còn chỉ đạo cán bộ thú y tiêm vắcxin phòng chống dịch bệnh, cấp phát thuốc cho đàn gia súc, tổ chức cho người dân ký cam kết không thả rông gia súc, không để xảy ra dịch bệnh và hiện tượng trâu, bò chết rét. Với những biện pháp thiết thực này, những năm gần đây, xã Nậm Hàng không có hiện tượng gia súc chết rét. Hàng năm tỷ lệ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6 - 7%”. 

Tại huyện Đồng Văn (Hà Giang), mới chỉ đầu mùa đông nhưng có thời điểm, nhiệt độ ở đây đã giảm xuống 10 độ C. Chính vì vậy, chính quyền huyện đã triển khai các đồng bộ nhiều giải pháp chống rét cho đàn vật nuôi. 
 
Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Đồng Văn có khoảng 70.000 con gia súc các loại. Ngay từ những ngày tháng 10, huyện đã ban hành các công văn chỉ đạo các địa phương thực hiện phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về phương pháp ủ chua cỏ, chăm sóc vật nuôi trong những ngày giá rét ở các xã, thị trấn. 

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 9407/CT-BNN-CN về việc yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ đông xuân 2016-2017. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng chống đói, rét. Đặc biệt, chú trọng tại các địa phương vùng cao, là những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.



Theo UBND huyện Đồng Văn, những năm gần đây, bà con nhân dân ở Đồng Văn đã tự giác chăm lo cho đàn gia súc của gia đình trong những ngày mùa đông giá rét. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết địa phương trên địa bàn huyện Đồng Văn đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét đến các hộ chăn nuôi. Các hộ dân đã có ý thức trong việc che chắn chuồng trại, ủ ấm cho trâu, bò. 
 
Trong các gia đình đều đã dự trữ thành các ụ rơm hoặc phơi khô trên các hiên nhà. Chính quyền địa phương và người dân tích cực, chủ động trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Với những sự chủ động này, mùa đông năm huyện Đồng Văn sẽ không hộ dân nào có trâu, bò bị chết rét, chết đói. Tổng đàn gia súc trên địa bàn tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định.
Theo Việt Hoàng/baotintuc.vn