Công bố dịch tả lợn châu Phi tại Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Công bố dịch tả lợn châu Phi tại Quỳnh Lưu (Nghệ An)
Một gia đình ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mua thịt lợn từ một người bán thịt trên địa bàn xã về ăn, 4 ngày sau, đàn lợn của nhà này bị chết, dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Báo Nghệ  An có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh xung quanh việc phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. 

Công bố dịch tả lợn châu Phi

PV: Hiện nay, dịch tả lợn đã xuất hiện tại địa bàn xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Xin ông cho biết tình hình cụ thể về diễn biến dịch?

Ông Ngô Đức Quỳnh: Ngày 10/3/2019, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Lưu nhận được báo cáo về tình hình lợn ốm, chết tại hộ ông Hoàng Văn L. ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ. Sau khi kiểm tra, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu và Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng III.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh. Ảnh Việt Phương
Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Mỹ để triển khai đồng bộ các giải pháp chống dịch. Chỉ đạo tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh (22 con, trong đó có 2 con lợn nái và 20 con lợn con theo mẹ) theo đúng quy trình kỹ thuật.
PV: Xin ông cho biết công tác dập dịch hiện nay như thế nào?

Ông Ngô Đức Quỳnh: Đối với ổ dịch tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp chống dịch; thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh, khoanh vùng ổ dịch, phun trừ hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc ở các hộ trong xóm 7 và các xóm tiếp giáp và tăng cường giám sát.

Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đã lập 2 chốt chặn trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ không cho các hộ mua bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã, phòng chống dịch lây lan.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã cấp hóa chất, bảo hộ sử dụng một lần, máy phun động cơ để huyện Quỳnh Lưu triển khai chống dịch.
PV: Quỳnh Mỹ không phải là địa phương giáp ranh với Thanh Hóa - địa bàn xảy ra dịch, vậy thì nguyên nhân vì sao ổ dịch xảy ra trên địa bàn xã?

Ông Ngô Đức Quỳnh: Huyện Quỳnh Lưu hiện có 42 nghìn con lợn, trong đó có 36 trại, gia trại chăn nuôi tập trung chiếm tỷ lệ 22,5% tổng đàn lợn toàn huyện. Số hộ giết mổ nhỏ lẻ từ 1-3 con lợn/ngày đêm có hơn 87 hộ, chủ yếu giết mổ tại hộ gia đình.

Hộ dân có đàn lợn bị dịch này nằm cạnh chân đồi xóm 7- xa khu vực dân cư, xa trục đường chính của tỉnh, huyện; con lợn nái này nuôi đã 11 năm nay nên không ai ngờ lại là nơi phát hiện có dịch.  Thông tin ban đầu, có thể do cách thời điểm lợn chết 4 ngày, hộ này mua thịt lợn từ một người bán thịt địa bàn xã về ăn. Còn nguyên nhân cụ thể đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đã ban hành quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ.
 

 

Phun thuốc phòng dịch tả lợn châu Phi các phương tiện vào ra vùng dịch tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Lâm Tùng

 

 PV: Như vậy, mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch trên đàn lợn. Xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình triển khai phòng chống dịch bệnh?

Ông Ngô Đức Quỳnh: Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, toàn tỉnh có hơn 740 nghìn con trâu, bò, đứng đầu cả nước; gần 900 nghìn con lợn, đứng thứ 5 so với cả nước và gần 22,5 triệu con gia cầm, đứng thứ 4 so với cả nước.

Chăn nuôi nông hộ chiếm 70,3% tổng đàn lợn; trong khi đó, số hộ giết mổ hộ gia đình 1 - 3 con lợn/ngày đêm có trên 1.000 hộ. Tỷ lệ lợn giết mổ tại hộ gia đình chiếm 80%.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa; hoạt động giao thương buôn bán động vật xảy ra thường xuyên, có nhiều chợ buôn bán gia súc; chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm phần lớn… do đó, công tác kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Và với đặc thù chăn nuôi của Nghệ An, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch là vô cùng quan trọng, mang tính quyết định.

Người dân rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi phòng chống dịch tả lợn. Ảnh: Quang An

Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm ở chỗ 100% lợn mắc bệnh bị chết, trên thế giới chưa có vacxin và thuốc điều trị. Biện pháp duy nhất hiện nay khi có dịch là tiêu hủy lợn bị bệnh và khử trùng triệt để không để dịch lây lan. Vì thế, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn cần nghiêm túc thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Khác với nhiều loại bệnh khác, mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại rất lâu trong môi trường nên khi tiêu hủy phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình, hạn chế phát tán mầm bệnh ra môi trường sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Không nên tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn

PV: Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng lo ngại không sử dụng thực phẩm này, kéo theo đó là nhiều tiểu thương, người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn. Vậy ông có khuyến cáo gì?

Ông Ngô Đức Quỳnh: Hiện nay, cả hệ thống chính trị, cơ quan thú y, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang gồng mình nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại Việt Nam, gây tổn thất cho nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến người nông dân. Tuy nhiên, một số cá nhân vì kém hiểu biết đã truyền đi những thông điệp sai lệch, tẩy chay sản phẩm chế biến từ lợn. Điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi và nguy hiểm hơn, có thể dồn người nông dân vào bế tắc, phá sản.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính từ năm 2017 đến nay đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con. Tại Trung Quốc, từ 3/8/2018 đến ngày 8/3/2019 đã phát hiện 112 ổ dịch tại 28 tỉnh, với hơn 950.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông tiếp giáp với biên giới Việt Nam.

Tại Việt Nam: Từ ngày 1/2 - 13/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La và Nghệ An), tổng số lợn buộc tiêu hủy là hơn 16.000 con.