Cứu trợ vật nuôi trong thảm họa: Giữ sinh kế cho người dân
- Thứ hai - 22/09/2014 05:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đàn gia cầm bị chết sau bão, lũ ở Nghệ An.
Đây cũng chính là lý do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hợp tác với Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (World Animal Protection), một tổ chức phúc lợi động vật quốc tế, tổ chức 8 lớp tập huấn về “Những hướng dẫn và tiêu chuẩn cứu trợ vật nuôi trong tình trạng khấn cấp” (LEGS) cho 183 cán bộ chăn nuôi và thú y thuộc 60 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu của lớp tập huấn là trang bị kỹ năng bảo vệ động vật khi có thiên tai xảy ra, hướng dẫn họ những phương pháp bảo vệ động vật một cách đơn giản và hiệu quả.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, mỗi năm phải đón nhận bình quân 11 – 12 cơn bão lớn nhỏ, chưa kể tình trạng hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà nhiều diện tích hoa màu, đàn gia súc, gia cầm, sinh kế quan trọng của bà con cũng bị thiệt hại, thậm chí mất trắng. Trong khi đó, mấy năm trở lại đây, lĩnh vực chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt ở khu vực miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đáng nói, đây cũng là những khu vực thường xuyên phải chịu tác động của thiên tai, có nghĩa đàn gia súc, gia cầm của nông dân luôn bị đe dọa.
“Cứu trợ động vật khi xảy ra thiên tai là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa được đề cập đến một cách có hệ thống, trước mỗi mùa mưa bão, vấn đề đầu tiên được quan tâm là con người và tài sản. Vì vậy, việc Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về cứu trợ đàn gia súc gia cầm là rất đáng quý và là hướng đi cần được lưu tâm trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Vân nói.
Ông Wayne Ricketts, Giám đốc Chương trình cứu trợ thảm họa (Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới), cho biết, trong suốt 50 năm hoạt động với mục tiêu vì một thế giới mà động vật được tôn trọng và không còn sự tàn bạo với động vật, tổ chức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng cứu trợ động vật bị ảnh hưởng sau thiên tai, thảm họa. Khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ bị thảm họa thiên tai lại rất lớn, gấp 4 lần so với châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ nên các hoạt động cứu trợ động vật cần được tiến hành thường xuyên. “Nếu người dân có kế hoạch cụ thể bảo vệ động vật trong thiên tai thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền so với chi phí chữa bệnh hoặc tái đàn, bù đắp lại những mất mát sau thảm họa. Theo thống kê, cứ 1USD đầu tư cho các hoạt động cứu trợ động vật thì sẽ tiết kiệm được 5 USD so với những chi phí phát sinh nếu như đàn vật nuôi bị thiệt hại trong thiên tai”, ông Wayne nói.
Cũng theo ông Vân, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục triển khai cụ thể hơn nữa việc áp dụng LEGS trong xây dựng kế hoạch hàng năm ở cả Trung ương và địa phương, trong đó tập trung hình thành nhóm công tác điều phối về cứu trợ vật nuôi của Việt Nam, bao gồm: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. Cơ quan điều phối sẽ là đơn vị đầu mối trong chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cứu trợ theo LEGS. Theo đó, trong kế hoạch phòng chống thiên tai của các địa phương sẽ có kế hoạch bảo vệ vật nuôi áp dụng cách tiếp cận của LEGS: đánh giá sơ bộ, xác định thiệt hại, phân tích và lựa chọn các biện pháp can thiệp, giám sát, đánh giá.
Trong ba năm qua, Việt Nam đã mất hơn 50.000 tỉ đồng vì bão lũ, trong đó, chỉ riêng năm 2013 tổng thiệt hại về vật chất ước hơn 25.000 tỉ đồng, bằng tổng thiệt hại của hai năm trước đó. Theo thống kê, năm 2013, cả nước đã có 264 người chết và mất tích, 800 người bị thương; gần 12.000 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi do nước lũ; số nhà bị hư hại, tốc mái vì bão là gần 707.000 ngôi nhà; tổng diện tích trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại gần 434.000ha, cùng hàng triệu con gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi. Vì vậy, việc có thêm những hoạt động cứu trợ động vật nhằm bảo vệ sinh kế cho người dân là rất quan trọng và vô cùng cần thiết để mồ hôi nước mắt của người dân được gìn giữ, bảo vệ và công cuộc phục hồi sản xuất sau bão lũ cũng bớt gian nan.
Khánh Nguyên
Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2005, với 4 chương trình: Quản lý gấu nuôi nhốt; giáo dục về phúc lợi động vật dành cho học sinh trung học cơ sở; phòng chống chó dại bằng cách tiêm vắc-xin đại trà cho chó; chương trình tập huấn về “Những hướng dẫn và tiêu chuẩn cứu trợ vật nuôi trong tình trạng khẩn cấp”. Ngoài việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức còn thực hiện các đợt cứu trợ cho vật nuôi sau những lần thiên tai tại một số tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Nghệ An, Hòa Bình. Hiện, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới ủng hộ và tham gia vận động để bảo vệ động vật được đưa vào chương trình cứu trợ thảm họa của các quốc gia trong mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu sau năm 2015. |
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn