Đậu tương ĐT26 – Cây trồng vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao

Sản xuất đậu tương vụ đông năng suất 2,2 tấn/ha đem lại hiệu quả kinh tế cao (26,9 triệu/ha), đây là kết của của mô hình sản xuất đậu tương đông sau lúa mùa tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Đậu tương ĐT26 – Cây trồng vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ngày 11/11/2014, tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả mô hình nói trên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng kết mô hình sản xuất đậu tương sau lúa mùa triển khai trên địa bàn, các tham luận và ý kiến đánh giá mô hình.

Hiện nay, sản xuất đậu tương ở Việt Nam đang được khuyến khích phát triển, nhưng diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp do điều kiện thời tiết không thuận lợi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng giống không cao, kỹ thuật canh tác truyền thống có nhiều hạn chế, giá thành sản xuất đậu tương trong nước không cạnh tranh được với giá nhập khẩu.

Trong vụ đông năm 2014, Hợp tác xã Mỹ Thành triển khai 50 ha mô hình sản xuất đậu tương năng suất cao sử dụng giống ĐT26. Đây là giống đậu tương có thời gian sinh trưởng trung bình 90 - 95 ngày. Cây sinh trưởng tốt, chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; chiều cao cây 45 - 60cm, phân cành khá từ 2-3 cành/cây, có 30 - 55 quả chắc/cây, tỷ lệ quả 3 hạt 20 - 40%; khối lượng 100 hạt (18 - 19g); năng suất 2,1 – 2,9 tấn/ha, tùy thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh. Giống thích hợp nhất trong vụ xuân và vụ đông. Cụ thể, trong mô hình năng suất dự kiến đạt khoảng 2,2 tấn/ha (cao hơn giống DT84 khoảng 52%), lãi thuần đạt khoảng 26,9 triệu đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá “Mô hình sản xuất đậu tương năng suất cao tại xã Mỹ Đức” thành công bởi nhiều yếu tố: thời tiết thuận lợi, cơ cấu giống cây trồng và mùa vụ hợp lý (lúa xuân - lúa mùa - đậu tương đông), ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: gieo thưa, cơ giới hóa trong khâu làm đất, bón phân cân đối... Đặc biệt, giống là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho mô hình. Giống đậu tương ĐT26 được công nhận năm 2010, được khảo nghiệm và xác định là giống đậu tương cho năng suất cao, thích hợp với điều kiện canh tác ở đất sau lúa mùa. Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển, chỉ đạo sát sao của địa phương cũng là yếu tố mang lại thành công cho mô hình.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần văn Khởi – PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Xã Mỹ Đức có nhiều lợi thế để phát triển đậu tương đông. Liên kết sản xuất và tiêu thụ, đầu tư hệ thống phơi sấy và bảo quản đồng bộ để sản phẩm sau thu hoạch đạt chất lượng cao là cần thiết. Cần tận dụng lợi thế phát triển để mở rộng diện tích đậu tương trên địa bàn.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao hiệu quả của mô hình sản xuất đậu tương đông tại Mỹ Thành, Mỹ Đức. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là mô hình cần khuyến khích nhân rộng. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan thống nhất chỉ đạo phát triển sản xuất cây trồng vụ đông, đặc biệt là cây đậu tương, định hướng quy hoạch cụ thể từng vùng, tiểu vùng có thể phát triển cây đậu tương đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Nguồn: Khuyến nông Quốc gia