Đẩy mạnh phòng, chống sâu keo mùa thu

Đẩy mạnh phòng, chống sâu keo mùa thu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương về tăng cường các giải pháp phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô.
Sâu keo hại ngô tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nội dung văn bản nêu rõ, báo cáo của các địa phương cho thấy, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15 nghìn ha, gây hại nặng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công như: thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng. Tổ chức điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với Sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị Sâu keo mùa thu gây hại nặng. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan bảo vệ thực vật địa phương tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời Sâu keo mùa thu. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thực hiện đánh giá hiệu quả các biện kỹ thuật đã và đang thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống phù hợp và hiệu quả để hướng dẫn các địa phương và nông dân áp dụng. Chủ động trao đổi với FAO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để tiếp nhận hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống sâu keo mùa thu. - Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình phát sinh gây hại và công tác chỉ đạo phòng chống loài sâu hại này. Làm đầu mối tham mưu, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình sâu keo mùa thu, công tác phòng chống và các hoạt động liên quan.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của Sâu keo mùa thu. Đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào áp dụng trong sản xuất. Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, thông tin, tuyên truyền; soạn thảo, in ấn và phát hành tài liệu, tổ chức các diễn đàn khuyến nông với chủ đề phòng, chống sâu keo mùa thu.  Đề xuất xây dựng các mô hình khuyến nông về quản lý dịch hại tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô ở địa phương. Tập huấn về sâu keo mùa thu cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông ở địa phương. Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất.

Theo Đỗ Hương/chinhphu.vn