Dịch tả lợn Châu Phi Những điều cần biết

Theo Cục Thú y, tính đến ngày 21/3, cả nước đã có 20 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi với trên 35.000 con lợn bị tiêu hủy. Hiện tại, Hà Tĩnh chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng chống Bệnh dịch Tả lợn Châu phi cho cán bộ chủ chốt ngành thúy y trong tỉnh
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh lâm sàng có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Bệnh hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị, do vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật mang virus gồm: Lợn rừng, lợn nhà, phương tiện, dụng cụ, đồ dùng, quần áo, thức ăn chăn nuôi thừa… mang mầm bệnh. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn người chăn nuôi phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, rắc vôi bột lối đi bên trong và bên ngoài trại, phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần/tuần (Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút), có các biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm xâm nhập vào chuồng nuôi, tiêm phòng đầy các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn; hạn chế khách, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, trước khi vào khu vực chăn nuôi phải thực hiện vệ sinh, sát trùng người, trang phục, phương tiện và dụng cụ mang vào. Thực hiện 5 không: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ hoặc mua thịt lợn bệnh, chết, không mua thịt chưa rõ nguồn gốc và chưa được cơ quan chuyên môn kiểm soát giết mổ; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chỉ gây bệnh cho lợn, không gây bệnh cho người và các loài động vật khác. Thịt lợn đã được kiểm soát giết mổ, khi được nấu chín kỹ người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.
 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã in và cấp phát 1.000 cuốn sổ tay và 15.000 tờ rơi “Hướng dẫn phòng, chống bệnh Dịch tả lượn Châu Phi” cho các huyện, thành phố, thị xã để phát cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguyễn Thị Lan Hương
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh
http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn