Dịch tả lợn châu Phi: Lịch sử chưa bao giờ thiệt hại lớn như vậy

Dịch tả lợn châu Phi: Lịch sử chưa bao giờ thiệt hại lớn như vậy
KTNT Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường bắt đầu phiên chất vấn của Quốc hội.

Trả lời chất vấn đại biểu Sần Sín Sỉnh (Lào Cai) và Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi và phương án hỗ trợ nông dân?.

dai_bieu_nguyen_son-ha-tinh.jpgĐại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

Bộ trưởng dẫn chứng, 100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí, có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.

Đối với Việt Nam, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. Nhưng do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc. Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

dich-ta.jpg

Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

 



Có được thành tích trên là cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn đến tận ổ dịch để chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có ngay chính sách hỗ trợ theo giá thành của sản xuất và yêu cầu chuẩn bị sẵn để xây dựng kịch bản tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Tổ chức Thú y thế giới cũng đánh giá chúng ta rất minh bạch thông tin về dịch tả lợn, không giấu giếm để đề ra giải pháp. Còn nhiều quốc gia khác thì giấu giếm, nên không thể biết được tình hình thực tế về dịch tả lợn châu Phi là như thế nào.

Đến nay, chúng ta vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, đây là hạt nhân để phát triển đàn lợn sau này.

Bộ trưởng cho biết thêm, cách đây 3 tuần, đoàn công tác của Bộ đã đi Khoái Châu, Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có nông dân còn dùng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ chăn nuôi lợn.