Dịch tả lợn phức tạp, khuyến cáo nông dân ĐBSCL chưa vội tái đàn
- Thứ bảy - 07/12/2019 10:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá thịt lợn tăng từ 50.000 đồng/kg
Theo thống kê của Cục Thú y, từ tháng 2/2019 đến ngày 29/11, dịch bệnh đã xảy ra tại 8.534 thuộc 666 huyện của 63 tỉnh thành, với tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 5,9 triệu con. Riêng khu vực ĐBSCL, dịch bệnh đã xảy ra ở 1.003 xã, 99 huyện của 10/10 tỉnh thành, khiến các địa phương phải tiêu hủy hơn 559.200 con lợn, tổng trọng lượng hơn 33.800 tấn.
Theo những hộ chăn nuôi, trung bình mỗi lứa lợn nuôi khoảng 4 - 6 tháng mới cho xuất chuồng. Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, do đó việc tái đàn lợn hiện nay sẽ không kịp để phục vụ thị trường dịp tết.
Quầy thịt lợn của tiểu thương chợ phường 4, TP.Cà Mau. (ảnh: Chúc Ly)
Điều đáng nói là hiện giá lợn hơi trên địa bàn các tỉnh trong khu vực ĐBSCL vẫn đang ở mức cao, dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ, siêu thị cũng tăng cao, dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg so với tháng trước. Dự báo, giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục tăng cao do nhu cầu người dân ngày càng tăng, nhất là dịp tết sắp tới.
Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tăng cường công tác kiểm soát giá và chất lượng thịt lợn (kể cả lợn hơi và lợn thịt tại các chợ, siêu thị, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung). Bên cạnh đó, triển khai ngay các giải pháp để bình ổn giá, kiểm soát chất lượng mặt hàng thịt lợn, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch tả lợn châu Phi để tăng giá kiếm lời.
Tái đàn có lựa chọn
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, một số hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ đang có mong muốn được tái đàn, ổn định sản xuất. Trong khi đó, ngành chức năng cũng cho rằng nông dân có thể tái đàn nếu đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang đang phối hợp các huyện, thành phố đẩy mạnh tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường cho chăn nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh. Khảo sát đánh giá về tình hình dịch bệnh và tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Sở NNPTNT về tình hình tái đàn lợn trong thời gian tới. |
Ông Nguyễn Văn (phường An Bình, TP.Rạch Giá) cho biết: 3 tháng qua, đàn lợn của gia đình bị nhiễm dịch bệnh và phải đưa đi tiêu hủy. Từ đó đến nay trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh, nhận thấy giá thịt lợn hiện nay tăng cao và các ngành chức năng cũng dự báo thị trường khan hiếm, giá thịt lợn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nên gia đình ông đã tái đàn. Với số lượng 5 con lợn, ông Văn hi vọng đến khi bán, gia đình ông sẽ bán được giá cao và bù đắp phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra vào tháng trước.
Để phòng tránh dịch bệnh có thể tái phát, gia đình ông thận trọng trong quá trình chọn con giống, tiến hành sát trùng, tiêu độc thường xuyên và dùng thức ăn, nguồn nước sạch cho đàn lợn...
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau, từ ngày 29/5 đến ngày 29/11, trên địa bàn tỉnh đã có 85 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố xảy ra dịch bệnh, với số lượng tiêu hủy là hơn 11.000 con, tổng trọng lượng gần 725.800kg.
Ông Nguyễn Thành Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú ý tỉnh Cà Mau thông tin: Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại những địa phương đang có dịch và lây lan ra những vùng khác. Do đó, cần phải tăng cường công tác giám sát và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch đồng bộ, không được lơ là. Tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ lợi ích của việc giảm đàn, tái đàn đảm bảo an toàn sinh học...
Cũng theo ông Huy, giá thịt lợn hiện nay không còn tăng “nóng” như vài tuần trước, nhưng giá vẫn neo ở mức khá cao. Đáng nói là đàn lợn trong các hộ dân hiện cũng không còn nhiều. Ở Cà Mau, lượng thịt lợn sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng 50%, còn lại phải nhập từ tỉnh khác.
Nhằm đảm bảo lượng thịt lợn cung cấp trên địa bàn trong thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép tái đàn tại 31 trại lợn của Công ty cổ phần CP chi nhánh Kiên Giang. Hiện công ty đã thả giống 13/31 trại, tổng đàn hơn 24.600 con, nuôi theo quy trình khép kín và đảm bảo vệ sinh tiêu độc. Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh thực hiện giám sát, theo dõi tình hình hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường các biện pháp phòng bệnh bảo vệ đàn lợn.
Ông Nguyễn Văn Kinh (ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp) cho biết, gia đình ông nuôi lợn liên kết với Công ty cổ phần CP Chi nhánh Kiên Giang. Lúc trước đàn lợn của gia đình ông bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Hiện gia đình bắt đầu tái đàn với hơn 700 con. Để phòng tránh dịch bệnh, ngoài việc tiêu độc, khử trùng ông còn xây dựng hệ thống lưới khép kín không cho các con côn trùng như ruồi, muỗi có thể xâm nhập.