Đổ nợ vì heo
- Thứ bảy - 24/02/2018 08:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân lao đao vì giá heo lao dốc trong thời gian dài.
Mất đất vì chăn nuôi
Hai năm qua ngành chăn nuôi heo liên tục “ngụp lặn” trong khó khăn vì giá cả liên tục đi xuống rồi chững lại ở mức thấp. Những ngày cuối năm 2017, nông dân phấn khởi chờ giá, giá có nhích lên rồi lại lao xuống thấp. Trước đó giá heo hơi đạt đỉnh với mức giá 33.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống còn 27.000 – 31.000 đồng/kg, mức trung bình là 29.000 đồng/kg.
Trong những ngày đầu năm mới, giá heo hơi không mấy khả quan hơn. Ghi nhận hiện nay cho thấy giá heo hơi tại khu vực miền Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng vẫn dao động từ 27.000 – 31.000 đồng/kg. Ông Vũ Văn Tiến – chủ trang trại 500 heo thịt tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) khẳng định, trong Tết giá heo hơi lao dốc thì ra Tết khó tăng do nhu cầu sử dụng thịt heo giảm mạnh trong những ngày gần đây.
“Trước Tết thương lái vào trang trại của tôi mua 80 con heo, thỏa thuận bắt trước 50 con với tổng tiền cọc 50 triệu đồng. Bắt xong 50 con, thương lái bỏ luôn 30 con còn lại vì giá xuống quá thấp. Ngày Tết 1kg khổ qua là 80.000 đồng/kg nhưng thịt heo chỉ cần 100.000 đồng có thể mua 3 kg” - ông Tiến phân trần.
Tình trạng khó khăn trong chăn nuôi heo ngày càng thể hiện rõ nét. Một nông dân chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay, cuối năm nhiều nhà chăn nuôi heo không yên ổn chút nào. Để tránh chủ nợ, nhiều nhà đóng cửa bằng hình thức miễn tiếp khách. Hai năm nay heo hơi “quật nát” người nông dân. Trước đây người ta cứ nói heo “ăn sổ đỏ” nhưng giờ thì heo đã chuyển qua “ăn đất”.
Từ việc thiếu vốn, nợ nần nên chủ chăn nuôi nhỏ lẻ phải cầm cố sổ đỏ tại ngân hàng. Thế nhưng, bức bí nhất hiện nay là bán hết đất đai để trả nợ. Khó khăn đeo bám người chăn nuôi đến nỗi nhiều hộ phải mạnh dạn dứt bỏ ngành này bằng cách treo chuồng.
Theo thống kê của giới chăn nuôi heo, 10 hộ chăn nuôi thì có 9 hộ bỏ cuộc, rất ít hộ chống chọi được với mức giá như thời gian qua.
Ông Vũ Văn Tiến cho rằng: Để giảm bớt chi phí đầu vào đối với mặt hàng cám cho chăn nuôi heo, tôi phải bỏ quan khâu trung gian, chủ động liên hệ với các công ty lấy cám tận gốc. Thời gian tới các chủ trại lớn sẽ liên kết với nhau thành hợp tác xã nhằm hỗ trợ sản phẩm đầu vào và đảm bảo đầu ra. Có lẽ các hộ sẽ khó thực hiện mô hình này nhưng chúng tôi sẽ cố gắng.
Lo ngại thống lĩnh thị trường
Trước tình trạng khó khăn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Năm 2017, chăn nuôi heo thật sự vỡ trận, đặc biệt những ngày cuối năm. Bị cô lập trong khó khăn nhiều năm qua nên chăn nuôi nhỏ lẻ sụt giảm trầm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 50% trang trại nhỏ lẻ tự đóng cửa, bỏ nghề.
Lý giải nguyên nhân trên ông Công cho rằng, nông dân chăn nuôi heo tự “bơi” là chính, làm chuỗi nhưng không hiệu quả. Cái khó nhất hiện nay chính là thiếu vai trò chủ đạo của một “nhạc trưởng” nào đó. Nói tóm lại, quản lý đối với ngành chăn nuôi heo rất chồng chéo nên trách nhiệm phát triển ngành không có.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 2 năm qua ngành chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng tốt, song chủ yếu là nhờ vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) FDI. Dù giá heo hơi có xuống thấp DN DFI không lỗ nhiều, họ có chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra.
Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú Y Đồng Nai nhấn mạnh: Nếu duy trì mức giá heo hơi như hiện nay trong thời gian dài chăn nuôi nông hộ sẽ chết, quay sang chăn nuôi thuê cho DN FDI. DN FDI vẫn sống khỏe nhờ chuỗi khép kín nên cắt giảm sản xuất, chi phí thấp. Nguy cơ DN FDI thống lĩnh thị trường đang là một thực tế.
Hiến kế cho ngành chăn nuôi heo trong nước phát triển tốt, ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai nêu quan điểm, muốn người nông dân sản xuất bền vững phải đưa quy trình sản xuất khép kín vào cho người chăn nuôi. Song song với đó cần chú trọng quản lý đàn heo, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc để sản phẩm thật sự an toàn.
Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, nông dân không thể phát triển nhỏ lẻ như thời gian qua. Sắp tới phải tổ chức thành một “ông chủ” để chủ động nhập khẩu sản phẩm đầu vào, chế biến cho sản phẩm đầu ra thì chăn nuôi mới phát triển được. Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò “nhạc trưởng” trong hoạt động chăn nuôi heo để có kế hoạch phát triển cụ thể hơn trong điều phối cung – cầu.
Thanh Giang/daidoanket.vn