Đồng Tháp: Phát triển diện tích nuôi cá lóc ở Tam Nông

Đồng Tháp: Phát triển diện tích nuôi cá lóc ở Tam Nông
Hình thành từ năm 1990, Tam Nông là địa phương có vùng nuôi cá lóc sớm nhất và nhiều nhất của tỉnh. Năm 2012, toàn huyện có 52 hộ nuôi cá lóc với diện tích 60ha, sản lượng gần 14.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Thọ gần 30ha, trở thành làng nghề truyền thống của huyện.

Ông Tư Lai ở xã Phú Thọ là một trong những người theo nghề nuôi cá lóc sớm nhất của huyện. Hiện nay, ông nuôi 3.000 m2 mặt nước cá lóc. Ông cho biết, trước kia không có cá lóc giống, chỉ xúc cá ròng ròng để nuôi, thức ăn là các loại cá tạp ngoài tự nhiên rất nhiều. Năm 1997, bắt đầu nuôi cá môi trề cho ăn bằng cá biển, nhưng thịt cá bị tanh. Sau này chuyển sang giống cá lóc đầu nhím mua từ La Ngà, nuôi bằng thức ăn công nghiệp, thịt cá thơm hơn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông, mùa vụ nuôi cá lóc gần như quanh năm, tuy nhiên đến mùa nước thì nghỉ do mùa này cá đồng nhiều, giá cá rẻ, nuôi cá lóc không có lời. Cá lóc thu hoạch được chế biến thành khô hoặc bán cá tươi đi thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia. Hiện nay do tình hình dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trên đàn gia súc nhiều nên số lượng tiêu thụ cá tăng lên, giá cá lóc cũng tăng khoảng trên dưới 40.000 đồng/kg, có lúc tăng lên 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Toàn huyện hiện có 11 cơ sở chế biến khô thủ công, 1 cơ sở chế biến khô bằng máy sấy đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các hệ thống chợ, siêu thị ở các đô thị lớn rất ưa chuộng các loại sản phẩm này. Để phát triển ngành nghề nuôi và chế biến khô cá lóc, huyện Tam Nông đang quy hoạch vùng nuôi lên 200ha, phát triển thêm các cơ sở chế biến khô, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ cá nguyên liệu của huyện, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

 

Theo Đồng Tháp Online