Dùng bẫy cực dễ: Nông dân Thủ đô nói không với sâu hại đậu đũa
- Chủ nhật - 09/07/2017 10:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đậu đũa là cây trồng bị nhiều sâu bệnh gây hại, sau khi thu hoạch cây thường bị tàn lụi. Nhưng ở vườn đậu đũa của nông dân ở xã Duyên Hà lại rất xanh tốt và cho quả rất năng suất. Điều lạ là xen giữa khu vườn là những bẫy keo dính đầy côn trùng.
Bẫy màu trong sản xuất rau sạch
Từ năm 2013, ông Chu Văn Thanh, xã Duyên Hà đã sử dụng bẫy màu và bẫy Pheromone để trừ sâu hại. Đây là công nghệ do Trung tâm rau màu quốc tế phối hợp với Viện Khoa học chuyển giao cho nông dân nơi này từ 4 năm nay.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Điệp – Viện nghiên cứu rau quả, nguyên lý của hai bẫy này dựa trên đặc tính của các loại côn trùng như bị thu hút bởi một số dải màu nhất định. Ví dụ bọ phấn, rầy (trên cây họ đậu) hay ruồi đục lá (trên nhóm rau họ cải) bị thu hút bởi màu vàng còn bọ trĩ, bọ nhảy hay sâu xanh bướm trắng bị thu hút bởi dải màu xanh lam. Đây là cơ sở để các chuyên gia phát triển loại bẫy dính sử dụng các mảnh giấy với các dải màu phù hợp, dính keo để côn trùng bị gắn vào đó. Điểm đáng chú ý là đối với khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam thì loại bẫy này hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Bẫy Pheromone là tên gọi một hỗn hợp các hóc-môn giới tính.
Pheromone là tên gọi một hỗn hợp các hóc-môn giới tính. Hỗn hợp này tạo ra loại mùi thơm đặc trưng giống cái của một số loài côn trùng. Côn trùng đực theo đó bị dẫn dụ và bị giữ lại trong bẫy nhờ hỗn hợp keo dính tương tự như trong bẫy màu.
Thực nghiệm cho thấy sâu xanh, sâu ăn tạp (thuộc họ bướm đêm), sâu đục quả trên cây đậu đũa, hay các loại sâu tơ, sâu khoang trên nhóm rau họ cải đều có thể được xử lý nhờ loại bẫy này. Các bẫy dính được thiết kế để giết sâu bọ trưởng thành gồm các loại bướm, bọ nhảy, bọ xít... có giá rẻ và đạt hiệu quả cao nếu được áp dụng trên diện rộng. Nông dân sẽ không còn phải đeo bình thuốc trừ sâu độc hại trên lưng. Các bẫy sẽ được ở trong ruộng (vườn) và sâu bọ sẽ tự chui vào trong đó.
Một bẫy Pheromone có thể diệt sâu đục quả trên diện tích 90m2, một bẫy màu có thể phát huy tác dụng trên diện tích 60m2. Thời gian thay bẫy là khi côn trùng dính kín trên mặt bẫy. Ông Chu Văn Thanh cho hay: Sử dụng bẫy bả giúp chúng tôi tăng được năng suất lên 70% so với bình thường và sản phẩm lại rất an toàn, loại trừ được việc dùng thuốc trừ sâu như trước đây.
Không chỉ giúp diệt sâu, sử dụng bẫy bả còn giúp bà con dự đoán được thời điểm có sâu hại nhiều. Theo các nhà khoa học, để hiệu quả phòng trừ được cao, việc sử dụng bẫy phải sử dụng đồng loạt, khi mật độ sâu cao cần kết hợp thêm thuốc trừ sâu sinh học.