Gia Lai: Cây giống vào mùa ươm
- Thứ sáu - 10/04/2015 02:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gần như địa phương nào cũng có vườn ươm cây giống, song có thể nói quốc lộ 14 đoạn từ ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku) đến thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) được mệnh danh là cung đường của vườn ươm cây giống. Ngay từ trước Tết Nguyên đán 2015, các chủ vườn đã hoàn tất khâu làm đất để sau Tết bắt đầu gieo ươm. Chị Phạm Thị Biển-Chủ vườn ươm Biển (tổ dân phố 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết, mới bắt đầu vào vụ nhưng cơ sở của chị đã đón nhiều khách hàng từ các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum tìm đến đặt mua cây giống bời lời đỏ với số lượng lớn.
Vì vậy, năm nay chị ươm khoảng 500 ngàn cây bời lời đỏ, trong đó cung cấp cho khách hàng đặt trước khoảng 300 ngàn cây; 200 ngàn cây giống còn lại cung ứng cho nhu cầu trồng mới của người dân các huyện lân cận. Ngoài giống bời lời đỏ, còn ươm thêm các loại cây giống như cà phê, tiêu lươn, keo, muồng đen…
Ông Ngô Duy Thông (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah)- Chủ vườn ươm Ngô Gia Trang đã có 10 năm kinh nghiệm ươm cây “bật mí”: Để có cây giống chất lượng tốt, tạo uy tín với khách hàng ngoài việc chọn giống ban đầu có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt thì quá trình chăm sóc không nên sử dụng các loại thuốc kích thích mà chỉ sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Vụ ươm năm nay, ông ươm trên 500 ngàn cây giống các loại như cà phê, tiêu lươn, bời lời đỏ, huỳnh đàn… với giá xuất bán bằng giá của vụ ươm năm trước. Theo đó, cây giống cà phê ươm 2 năm giá 18.000 đồng/cây; cà phê 1 năm 3.500 đồng/cây, bời lời 800 đồng đến 1.000 đồng/cây; tiêu lươn 6.000 đồng đến 7.000 đồng/dây...
Điểm chung của nghề ươm cây giống trong tỉnh tồn tại theo hình thức nông hộ, diện tích ươm không lớn. Cây giống được chọn ươm tùy thuộc vào nhu cầu của người dân và cơ cấu cây trồng của từng địa phương. Vùng phía Đông tỉnh với thế mạnh cây lâm nghiệp; các địa phương còn lại tập trung ươm cà phê, tiêu, bời lời, cây ăn quả... Ươm cây giống-theo chủ vườn ươm là nghề phụ để có thêm thu nhập, còn với người am hiểu lĩnh vực này thì nghề ươm cây giống có thể tích lũy làm giàu nên một số địa phương như huyện Chư Pah số lượng cơ sở ươm cây giống tăng dần hàng năm với gần 70 cơ sở.
Có nhiều cơ sở ươm cây giống mở ra cơ hội cho nông dân lựa chọn giống, chủ động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tạo môi trường cạnh tranh giá bán có lợi cho chính người dân. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành việc thanh-kiểm tra các cơ sở ươm cây giống do thanh tra chuyên ngành thực hiện, còn địa phương không có chức năng này. Đây là kẽ hở để cây giống không rõ nguồn gốc, quy trình ươm không đảm bảo điều kiện quy định len vào thị trường giống mà người chịu thiệt chính là nông dân.