Gieo lúa, gặt… rơm!

Gieo lúa, gặt… rơm!
Hứng chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, ở một số địa phương trong tỉnh, bà con nông dân ngậm ngùi khép lại một vụ mùa gieo lúa, gặt rơm...

Đây là thời điểm bận rộn nhất của gia đình bà Văn Thị Thảo (thôn Thắng Lợi, xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh), lúa chín dồn dập đầy đồng. Thế nhưng, thay vì tâm trạng háo hức, tất bật ngày mùa thì bà lại chẳng buồn ra đồng thu hoạch. “Lúa chín rồi chẳng lẽ lại không gặt về. Nhưng chị xem, nhà làm 36 thước thì mất trắng một nửa, nửa diện tích cho thu hoạch thì phần nhiều là hạt lép, hạt đen. Thật chẳng bõ công mình chăm sóc, chờ đợi cả mùa.

Năm ngoái, cánh đồng này thu về 3 tạ/sào, năm nay không biết có được tạ thóc không. Nghĩ mà nóng ruột, tiếc của quá chị ạ!”- bà Thảo tâm sự. Toàn bộ diện tích lúa xuân của bà trổ bông ngay đúng đợt mưa lớn cuối tháng 4. Trận mưa tai ương ấy, Thạch Đồng là điểm có lượng mưa lớn nhất tỉnh với thời điểm cao nhất lên đến trên 300 mm. Mưa làm ngập băng cả cánh đồng, ngâm dập lúa cả tuần lễ khiến cây không thể trổ bông. Đã gần một tháng trôi qua, cánh đồng này nước vẫn ngập đến gối, những chân ruộng lúa gặt xong rồi lộ rõ gốc rạ đen nhẻm, thối dập. Thậm chí, nhiều đồng lúa còn bổ sấp, bổ ngửa, bà con nông dân vất vả lắm mới gùi được lúa lên bờ.

Gieo lúa, gặt… rơm!

Hứng chịu ảnh hưởng thời tiết, bà con nông dân nhiều nơi ngậm ngùi.

Anh Nguyễn Đình Nhất (thôn Hòa Bình) cho biết: “Đầu vụ thì sâu bệnh, cuối vụ thì thiên tai. Đúng ra thì phải vài ngày nữa mới thu hoạch nhưng lúa khô cả rồi, đành gặt về, không có hạt thì lấy rơm. Nhìn bó lúa anh gùi lên bờ, phần nhiều là lá úa và xơ rơm, có cả cỏ dại. Đang dở câu chuyện thì cơn mưa rào kéo đến, chẳng kịp chào hỏi, anh lao lên bờ, tất tả chạy về phía làng, nơi có mấy tạ lúa đang được trau phơi.

Cùng nằm trong vùng ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa cuối tháng 4, nhiều cánh đồng của xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đang đối mặt với cảnh sụt giảm năng suất nghiêm trọng. Nặng nề nhất là vùng đồng Đông Cầu, đây là vùng bị ngập nặng nhất vào thời điểm mưa lớn xảy ra. Ông Lê Trọng Kỳ (thôn Kinh Nam) cho biết: “Nhà tôi làm 1,2 mẫu thì mất trắng 6 sào, toàn bộ là giống Xi23. Theo bà con thì năng suất trung bình vụ xuân năm nay chỉ đạt khoảng 1-1,5 tạ/sào, bằng 50% so với mọi năm.

Ở Thạch Hà, trong khi bà con nông dân các xã bãi ngang Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Trị đang phấn khởi bởi một mùa lúa bội thu sau vụ sản xuất lắm tai ương thì ở vùng thượng, bức tranh mùa thu hoạch như đối nghịch hoàn toàn, năng suất “lao dốc”. Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Nguyên nhân chính là do những diện tích này trổ bông trùng vào đợt mưa lớn, tập trung chủ yếu ở các xã Thạch Thanh, Thạch Đài, Thạch Ngọc.

Thêm vào đó,nước đầu nguồn về đã ngâm đồng ruộng suốt 3-4 ngày liền, khiến lúa trổ không phơi mau được, tỷ lệ hạt lép cao”. Thực trạng thất thu xảy ra phổ biến trên toàn xã, nhà nhiều thì 4-5 sào, ít cũng phải một vài sào. Bà Lê Thị Tâm (Bí thư chi bộ thôn Sơn Vĩnh, Thạch Thanh) cho biết: “Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa Xi23 của thôn Sơn Vinh đều bị giảm năng suất 1-1,3 tạ/sào so với năm ngoái. Đây là mùa sản xuất thất thu nhất từ nhiều năm lại nay”. Được biết tổng diện tích thất thu của toàn xã Thạch Thanh trong vụ xuân này lên đến 10 ha.

Vụ xuân chưa kết thúc, mùa hè thu đã dồn đuổi sau lưng. Mất mùa lúa chính đang dồn gánh nặng cho bà con nông dân trước vụ mới. Ở những vùng còn sử dụng giống Xi23, kết quả mùa này sẽ giúp người nông dân mạnh dạn từ bỏ bộ giống lỗi thời này ra khỏi cơ cấu sản xuất vụ xuân.

Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn