Hà Tĩnh: 20 ngày tiêu hủy 3.274 con lợn

Hà Tĩnh: 20 ngày tiêu hủy 3.274 con lợn
Ảnh hưởng của lũ lụt, chưa có vacxin làm “rào chắn”, công tác đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi nhỏ lẻ không đạt yêu cầu… là những nguyên nhân chính khiến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Hà Tĩnh gia tăng chóng mặt.
17-36-05_nh1
DTLCP đã “điểm mặt chỉ tên” 12/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh.

Vũ Quang là huyện thứ 12 trong tổng số 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh bị DTLCP “điểm mặt chỉ tên”. Trước lũ (trước ngày 6/9/2019), địa phương này được đánh giá thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, ngày 23/9, đàn lợn 13 con của hộ ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh được phát hiện dương tính với DTLCP. Một ngày sau, lực lượng chức năng phát hiện thêm ổ dịch thứ 2 tại thôn Hợp Bình, xã Hương Minh, đưa tổng số lợn bị DTLCP phải tiêu hủy toàn huyện đến thời điểm này lên con số 32 (2 con lợn nái, 30 con lợn thịt).

Một lãnh đạo huyện Vũ Quang lo lắng: “Bây giờ đang giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, cộng với công tác vận chuyển gia súc qua địa bàn phức tạp nên nguy cơ DTLCP lây lan rất cao. Nếu dịch “gọi tên” các trang trại quy mô lớn thì không chỉ người dân thiệt hại mà tỷ trọng chăn nuôi của huyện cũng ảnh hưởng rất lớn”.

Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng đàn lợn của huyện Vũ Quang là 26.384 con. Trong đó, chăn nuôi quy mô lớn lên đến 20.100 con, chiếm 76,18% tổng đàn. Nếu không có giải pháp căn cơ ngăn chặn dịch, các chủ trang trại trên địa bàn lo ngại đàn lợn sẽ bị “xóa sổ”, lĩnh vực chăn nuôi lợn sau dịch khó mà phục hồi được.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ NN-PTNT đã kịp thời phân bổ 7.000 lít hóa chất cho Hà Tĩnh, phân bổ đến các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Quang Tiến, Trưởng phòng quản lý Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay, từ ngày 7/9 đến nay DTLCP có dấu hiệu tăng nhanh hơn nhiều so với bình quân các tháng trước lũ lụt.

“Tất nhiên, ảnh hưởng của lũ lụt chỉ một phần nhỏ. Nguyên nhân chính vẫn là do không có vacxin tiêm bao vây, làm “rào chắn”; công tác đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi nhỏ lẻ không đạt yêu cầu; hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc bất hợp pháp diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên dịch mới lây lan nhanh”, ông Tiến nói.

Thống kê cho thấy, 20 ngày qua, tổng số lợn bị dịch tả châu Phi trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng từ 6.520 con (6/9) lên 9.794 con (26/9).

Trong đó, huyện Can Lộc tăng 1.369 con; Thạch Hà tăng 784 con; Cẩm Xuyên hơn 450 con; Đức Thọ tăng 265 con. Tính bình quân, mỗi ngày các địa phương phải tiêu hủy gần 164 con lợn.

“Có những ngày cơ quan chức năng phải tiêu hủy đến 170 con bị DTLCP của một hộ dân. Rất xót của và đáng lo ngại”, ông Trần Quang Tiến nhấn mạnh.

17-36-05_nh2
Trong vòng 20 ngày sau lũ lụt, số lợn bị dịch phải tiêu hủy tăng đến 3.274 con. Ảnh: L.Thủy.

Vị Trưởng phòng quản lý Thú y cho rằng, DTLCP tại Hà Tĩnh đang có chiều hướng tiếp tục lây lan nhanh. Ngoài các nguyên nhân đã nêu ở trên, hiện nay có tình trạng người dân chung nhau giết mổ lợn làm thực phẩm, tuy nhiên sau giết mổ vài ngày lợn của các hộ dân trong vùng cũng phát hiện dương tính với DTLCP. Có hiện tượng dịch lây lan vì xác lợn trôi vùng này dến vùng khác do lũ lụt hoặc lợn người dân vứt trên kênh mương; lây lan qua quần áo, dày dép của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy lợn…

Theo Thanh Nga-Việt Khánh/nongnghiep.vn