Sương mù vào sáng sớm cộng với bộ lá tốt tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan diện rộng. Ảnh: Thanh Nga.
Sản xuất không tuân thủ lịch thời vụ
Những ngày này, đến các huyện trọng điểm lúa của Hà Tĩnh như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân…, chứng kiến cảnh bà con nháo nhào đi mua thuốc BVTV về phun phòng bệnh đạo ôn mới biết dịch bệnh báo động đến mức nào.
Ai cũng sợ, cũng lo lặp lại “cơn ác mộng” mất mùa lịch sử năm 2017 do đạo ôn cổ bông nhưng đâu đó, vẫn có không ít nông dân bất chấp lịch thời vụ, gieo cấy theo “cảm hứng”, đẩy nhiều diện tích lúa trổ sớm trở thành “mồi” cho bệnh đạo ôn cổ bông tấn công.
Theo tìm hiểu của Báo NNVN, hiện toàn tỉnh có hơn 300ha lúa đang trổ vè, trước lịch thời vụ khoảng 20 ngày, tập trung ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ… Đây là diện tích bị liệt vào nhóm có nguy cơ thiệt hại năng suất cao nhất trong vụ xuân năm nay.
Ngoài ra, có khoảng 5.500 - 6.000ha lúa sẽ trổ bông vào giai đoạn từ 30/3 - 10/4 (trong khi lịch trổ tập trung toàn tỉnh là 10 - 15/4), chiếm 10% trên tổng diện tích vụ Xuân 2020.
Thậm chí, có những giống lúa thuộc trà Xuân muộn như nếp 98, VT-NA2… bà con vẫn hối hả xuống giống ngay đầu lịch, bỏ qua mọi quy luật của thời vụ và đặc tính sinh trưởng của cây lúa.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, năm nay lúa xuân trổ sớm bị “kẹp” giữa thời tiết mưa rét, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của bông, dẫn đến tỷ lệ hạt lép cao.
Điều đáng nói, toàn bộ diện tích này không phải xuất phát từ nguyên nhân thời tiết hay sự rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa mà do ý thức của người nông dân và sự chỉ đạo, giám sát thiếu quyết liệt của ngành chuyên môn địa phương.
“Năm nào các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên cũng là huyện điển hình có nhiều diện tích gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ 15 - 20 ngày.
Tỉnh cũng đã nhắc nhở rất nhiều nhưng tập quán sản xuất tranh thủ của bà con vẫn không thay đổi”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.
Nếu không phòng trừ kịp thời, nguy cơ lặp lại mất mùa lịch sử do đạo ôn cổ bông là rất cao. Ảnh: Thanh Nga.
Mặc dù biết chắc chắn việc gieo cấy không tuân thủ lịch thời vụ sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh sâu bệnh và mất mùa. Song giải pháp mà tỉnh này thực hiện đến nay cũng chỉ nằm ở mức khuyến cáo.
Bài học mất hơn 10 vạn tấn lúa hãy còn đó, nếu Hà Tĩnh không có những giải pháp căn cơ hay nói đúng hơn là chế tài mạnh đối với những nông dân sản xuất theo cảm hứng thì khó dập được các ổ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông vốn đang tồn dư trong đồng ruộng từ mấy năm nay.
Báo động
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT lo lắng: “Hiện toàn tỉnh đã có hơn 800ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá và đang có xu hướng tiếp tục tăng diện tích nhiễm.
Trong khi đó, một số diện tích do không tuân thủ thời vụ gieo cấy đã bắt đầu trổ bông, trở thành mối nguy đạo ôn cổ bông phát sinh diện rộng”.
Cánh đồng sản xuất một giống lúa theo hình thức phá bỏ bờ thửa nhỏ tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đang bước vào giai đoạn cam go nhất - đối phó với bệnh đạo ôn lá. Bệnh xuất hiện gần như trên toàn bộ diện tích 10ha, nhiều thửa ruộng cháy từng khóm, lụi vàng và tiếp tục lan rộng.
Ông Nguyễn Kỳ Việt, trưởng thôn Bình Quang cho hay, mặc dù từ đầu vụ đến nay, xã thường xuyên bám sát và chỉ đạo phòng trừ 3 - 4 lần nhưng diện tích lúa nhiễm bệnh vẫn gia tăng và lây lan nhanh. Đặc biệt, đã có khoảng 2 - 3 mẫu bị nhiễm nặng với tỷ lệ cháy ổ khá cao.
“Trưa nay, thôn huy động bà con xuống đồng phun tập trung thêm lần nữa nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là thời tiết vẫn âm u, sương sớm nhiều sẽ khiến cho bệnh khó kiểm soát”, ông Việt thở dài.
Cẩm Bình không phải là nơi duy nhất ở Cẩm Xuyên xảy ra tình trạng đạo ôn lá hoành hành. Khắp các địa phương Cẩm Quan, Cẩm Lạc, Cẩm Duệ, Cẩm Bình…, người nông dân cũng đau đầu vì phải đổ công, đổ sức phun thuốc phòng trừ trên đồng.
“Tôi đang lo bệnh lại tái phát ở giai đoạn trỗ bông. Nếu nhiễm đạo ôn cổ bông chắc chịu mất mùa chứ khó lòng mà cứu vãn”, ông Nguyễn Văn Hồng, xã Cẩm Quan nói.
Chung nỗi lo âu, bà Ngô Thị Mai, xã viên Tổ hợp tác Chương Bình, huyện Thạch Hà cho biết, năm nay đạo ôn lá xuất hiện khá sớm và thời tiết cũng bất thuận nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Gia đình bà Mai làm 3 sào giống lúa J02 thì cả 3 sào đều “dính” đạo ôn lá. Dù đã phun thuốc 2 lần nhưng vẫn có nhiều ổ bị cháy lụi, có nguy cơ gây hại trên cổ bông.
Theo ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên, năm nay giai đoạn lúa sinh trưởng mạnh thân lá thời tiết âm u kéo dài, xuất hiện mưa nhiều khiến cho bệnh phát sinh, lây lan diện rộng. Nhóm giống có tỷ lệ nhiễm bệnh cao là VT- NA 6, Khang dân 18, J02, P6, nhóm giống X…, với tổng diện tích nhiễm hơn 600ha.
Giai đoạn này chưa phải cao điểm bệnh đạo ôn cổ bông, nhưng chỉ một phút lơ là, nông dân Hà Tĩnh sẽ phải trả cái giá rất đắt, bởi tồn dư chủng nòi đạo ôn cổ bông từ vụ Xuân 2017 vẫn còn trên đồng ruộng. Bà con cần tập trung thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng trừ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.